Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

BÀI DỰ THI ĐẠI SỨ VĂN HÓA ĐỌC NĂM 2020
Trong cuộc đời của mỗi con người, ai ai cũng đều trải qua quãng thời gian tuổi thơ tươi đẹp. Song, những dấu ấn ấy theo năm tháng thời gian có thể sẽ phai nhạt dần. Với em cũng không ngoại lệ.

Nhưng khi, em được đọc cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì dường như  em được sống lại một tuổi thơ đã đi qua với bao kỉ niệm vui buồn cùng lũ bạn. Thật tài tình, chỉ với những mẩu chuyện bình thường, chân thật, hồn nhiên của thời thơ dại mà Nguyễn Nhật Ánh đã khiến cho em, cũng như những ai đã từng đọc qua cuốn sách ấy như đang quay lại cùng tháng năm đẹp đẽ của tuổi thơ. Sau đây, em xin chia sẻ về cuốn sách này.

“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đây được coi là tác phẩm thành công nhất của ông, được Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2010 và đã tái bản lần thứ 65 với hơn 400.000 cuốn -  một con số mơ ước của nhiều nhà văn.

Tác phẩm gồm những truyện nhỏ xoay quanh 4 đứa trẻ tiểu học trong một khu xóm là Tủn, Tí, Sún, Hải Cò và Cu Mùi. Trong đó, người kể chuyện là nhân vật tôi - tức cậu bé Cu Mùi. Xin đừng vội nghĩ cuốn sách này chỉ dành cho lũ trẻ con lít nhít đang còn độ tuổi chọc phá mà dành cho tất cả chúng ta - những người đã từng có tuổi thơ như chính tác giả đã khẳng định: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”. Khi đọc truyện, bạn sẽ bắt gặp lại hình ảnh của chính mình ở những ngày xa xưa - là những trò giả vờ ngủ say để được bám trụ vài phút quý giá trên chiếc giường trước khi dậy đi học; những lúc hối hả chạy đi truy lùng sách vở để nhét vào cặp sách trước khi đến trường và còn vô vàn chiêu trò lém lỉnh thời học trò... Bất giác em liên tưởng đến chính mình. Nhiều hôm, đồng hồ báo thức đã reo mấy lần, giọng mẹ vọng lên từ ngoài mà em vẫn như đang mơ ngủ; để rồi có lần đi học muộn bị cô phạt viết kiểm điểm thật nhớ đời.

Em đã đọc tác phẩm này khá nhiều lần nhưng vẫn bật cười mỗi khi đọc lại. Cười không chỉ vì cách viết quá dí dỏm, quá duyên dáng, quá trẻ con của tác giả, mà cười vì những câu chuyện, những suy nghĩ của những đứa trẻ trong câu chuyện. Những nhân vật chính: Hải Cò, Tí Sún, Cu Tủn, Cu Mùi… đã có một tuổi thơ thật phong phú, phong phú đến mức lũ trẻ chúng em ngày nay  đọc đến mà phát thèm. Thay vì chúng em bây giờ uống nước bằng ly, ăn cơm bằng bát thì bọn trẻ trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh sẽ uống nước bằng chai, ăn cơm bằng…thau. Trẻ con đứa nào chẳng từng gắn bó với một chú chó con để rồi khóc òa khi phải chia tay chúng; đứa nào cũng từng trách móc ba mẹ, từng hậm hực vì cái nguyên tắc “người lớn luôn luôn đúng”. Đến đây, thước phim như chậm lại bởi em cũng có một kỉ niệm không thể quên: đó là có lần ba em đã cho người họ hàng con mèo của gia đình, lúc đó em và đứa em gái của mình đã khóc hết một ngày, hơn thế nữa còn giận ba mẹ cả tháng trời. Bây giờ nghĩ lại em chợt bật cười vì sự hồn nhiên, thơ ngây đó.

Đọc truyện của tác giả, em thấy được một chút hình ảnh tuổi thơ của mình ở đó. Một thời và cũng như thời điểm này khi em đã bước sang tuổi 15 chuẩn bị được đứng vào hàng ngũ của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh mà vẫn luôn mơ mộng về một cuộc sống tự do, được thỏa sức vui chơi, bày trò tinh nghịch. Tác giả đã đưa chúng ta về với một thế giới tươi đẹp bằng những rung cảm chân thật, sự đồng điệu về cảm xúc, nơi mà ở đó luôn ngập tràn kí ức tuổi thơ, nơi có những tâm hồn trong sáng, hồn nhiên. Những cảm xúc ngày xưa đã thực sự sống lại khi em bắt đầu đọc những dòng đầu của tác phẩm. Em nghĩ nếu đã là tuổi thơ thì ai mà chẳng tinh nghịch, thích vui chơi và bày trò lạ.

Tác giả viết nên tác phẩm này không phải chỉ để gợi nhắc ta nhớ về tuổi thơ mà tác giả còn muốn nhắn nhủ đôi lời với người lớn: “Tôi muốn người lớn thông cảm với trẻ em hơn”. Có nghịch ngợm, hồn nhiên mới là trẻ con. Nói đến đây, em chợt nhớ một triết lí về hình ảnh con đường trong truyện ngắn “Cố hương” của Lỗ Tấn: “Kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Em nghĩ câu nói này cũng giống như tuổi thơ của ta vậy, kì thực tuổi thơ ai mà không có sự buồn chán khi bị gò bó vào những khuôn khổ, phép tắc của người lớn. Nhưng niềm vui sẽ đến khi ta biết vẽ nên một tuổi thơ đầy ước mơ, hi vọng cho mình.

Với giọng điệu nhẹ nhàng, trong vắt, cách viết hồn nhiên, mang đậm chất trẻ thơ, truyện sử dụng những ngôn từ bình dị, gần gũi, chân thật gắn liền với suy nghĩ và tính cách nhân vật là trẻ em khiến người đọc nghĩ rằng đây là quyển nhật kí của một đứa trẻ. Vậy mà thật ra đó lại là lời văn của một nhà văn trưởng thành. Chắc hẳn nhà văn cũng là người từng trải nên ông mới viết nên những tháng năm tuổi thơ sâu sắc như vậy. Em cũng muốn xin một vé đi tuổi thơ – một chuyến đi vài ngày về quá khứ.

Cho dù ta sinh ra và lớn lên ở thời đại nào đi chăng nữa thì cũng sẽ trải qua thời thơ dại của tuổi thơ. Song, nếu mỗi chúng ta biết trân trọng cuộc sống, trân trọng bản thân và những người thân xung quanh mình thì chắc chắn những việc làm cho dù có trẻ con đi nữa vẫn đọng lại trong mỗi chúng ta những kỉ niệm trong sáng, tươi đẹp và đầy ý nghĩ như tuổi thơ mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã viết.

Nguyễn Quang Duẩn

Lớp 9/1 - trường THCS Nguyễn Khánh Toàn

Hương Xuân – Hương Trà – Thừa Thiên Huế

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ tại chuyên mục Sáng Tác của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bà cố của Ken

Vừa đến cây dừa đầu ngõ, Ken đã nghe thấy tiếng bà cố (tức cụ) vọng ra:

Bài Sáng Tác khác

Bài toán điểm 10

Hôm ấy là buổi đầu tiên thầy dạy Toán lên lớp. Vừa vào lớp, thầy cho cả lớp làm bài kiểm tra ôn lại kiến thức. Cả lớp ngạc nhiên khi thầy phát ba loại đề khác nhau. Thầy nói:

Mùa hè rực rỡ

Mùa hè đang đến với nắng vàng rực rỡ! Mời bạn tới thăm miền quê trung du thanh bình qua những bức tranh của bạn Lương Vũ Lan Anh (đội 2, Vân Du, Đoan Hùng, Phú Thọ).