Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 50.000 trẻ em Việt Nam ở độ tuổi 2-5 thì tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và suy dinh dưỡng thể thấp còi lần lượt là 19,62% và 29,05%. Biếng ăn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó.
Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho thấy, tình trạng thiếu vi chất vẫn còn phổ biến ở trẻ em Việt Nam, thể hiện ở tỷ lệ thiếu máu, thiếu vitamin A tiền lâm sàng (retinol huyết thanh thấp), thiếu kẽm… còn ở mức cao. Số trẻ em đến khám vì lý do biếng ăn cũng ở mức rất cao (tỷ lệ 45,9% - 57,7%). Biếng ăn ở trẻ là một hiện tượng thường gặp.
Thực tế có rất nhiều bé ăn nhiều, ăn đầy đủ nhưng vẫn “hoài không lớn”. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ thể chưa thật sự hấp thu dưỡng chất, dẫn đến sự thiếu hụt của các vitamin, protein, khoáng chất, carbohydrate và các chất dinh dưỡng quan trọng khác.
Những biểu hiện thường thấy ở bé kém hấp thu là hay bị căng chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu; đi phân lỏng màu nhợt, mùi tanh, có váng nổi lên trên mặt giống như mỡ. Kém hấp thu nên bé có xu hướng chậm tăng cân, đứng cân, sút cân.
Lúc này tình trạng thường thấy là bé hay mệt mỏi, uể oải, ngủ không ngon giấc, kém linh hoạt trong các hoạt động vui chơi, khám phá xung quanh.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng nhận định: một chế độ ăn cân bằng các dưỡng chất sẽ quyết định sự tăng trưởng của trẻ. Tâm lý của mẹ thường cố gắng nhồi cho con ăn thật nhiều một loại chất, hậu quả là một số trẻ quen dạ, ăn quá nhiều và thích các món tinh bột (ăn nhiều cơm, bánh trái), chất béo (các món rán, thức ăn nhanh); khiến cho cơ thể mất cơ hội tiếp nhận các dưỡng chất khác, dẫn đến tình trạng thừa lượng thiếu chất. Chưa kể số lượng phải đi kèm với chất lượng, ăn nhiều nhưng chưa chắc lượng dinh dưỡng có trong số lượng đó đã nhiều. Vì vậy, mẹ phải đặc biệt chú ý đến khẩu phần dinh dưỡng của trẻ.
Để đảm bảo đủ vitamin cung cấp cho sự phát triển của bé, trong thực đơn phải luôn có đủ bốn nhóm chất dinh dưỡng: bột đường (có trong gạo, mì, ngô, khoai); chất đạm (có trong thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, đậu đỗ...); chất béo (có trong dầu ăn và mỡ động vật); vitamin, chất khoáng và chất xơ (có trong các loại rau xanh, quả chín), đồng thời bé phải không bị rối loạn tiêu hoá hấp thu.
Trong trường hợp bé bị bệnh (hoặc có các dấu hiệu thiếu vitamin), có thể bổ sung dưới dạng thuốc hoặc thực phẩm chức năng. Song, cũng chỉ nên uống từng đợt chứ không nên dùng triền miên. Phần lớn nguyên nhân của tình trạng bé ăn nhiều nhưng vẫn còi cọc, chậm lớn là do bé bị thiếu vitamin, cụ thể thiếu vitamin D dẫn đến thiếu canxi nên bé tuy ăn uống đầy đủ, tăng cân bình thường nhưng vẫn rối loạn giấc ngủ, quấy khóc về đêm, ra nhiều mồ hôi...
Thậm chí, có bé bụ bẫm nhưng vẫn còi xương do vitamin D rất ít trong thức ăn (chỉ một ít trong dầu gan cá, lòng đỏ trứng, ngay cả trong sữa mẹ, hàm lượng vitamin D cũng rất thấp). Các loại vitamin khác cũng vậy, nhất là vitamin nhóm B và vitamin C cũng rất dễ bị thiếu do trong quá trình nấu nướng, bảo quản thực phẩm, nhất là bé hay ăn những thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn.
Trong các loại vitamin thì vitamin B1 và vitamin C dễ bị phá huỷ nhất. Cho nên dù bé vẫn lên cân bình thường do được cung cấp đủ năng lượng nhưng vẫn có thể bị thiếu vitamin. Ngay cả những bé béo phì cũng thiếu vitamin bởi chế độ ăn không cân đối: ăn nhiều chất ngọt, chất béo, ít rau xanh và trái cây chín. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào hấp thu chuyển hóa, cơ địa từng bé.
Duy Minh (tổng hợp)