Thơ và lời bình

Làng Quan họ

Chăm học
"Quan họ là làn điệu dân ca tiêu biểu của châu thổ sông Hồng và là nét văn hóa đặc sắc trong kho tàng văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam".

Sông Cầu làm bao xanh
Ngang lưng làng quan họ
Những cánh buồm nhớ thương
Câu ca đầu ngọn gió

Mẹ giặt yếm bên sông
Đêm trăng thanh hát gọi
Con nước chảy lơ thơ
Con cò đi lặn lội

Tháng Giêng mùa hát hội
Áo nâu ướp hương trầm
Nón thúng quai thao rủ
Buông dài nếp xống thâm

Chen nhau sau khóm trúc
Trống cơm vỗ bập bùng
Mắt như dao cau ấy
Nhìn bên Đoài bên Đông.

Nguyễn Phan Hách

Quan họ là làn điệu dân ca tiêu biểu của châu thổ sông Hồng và là nét văn hóa đặc sắc trong kho tàng văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam. Quan họ được hình thành và phát triển ở vùng Kinh Bắc xưa, tập trung nhiều ở hai tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang, nơi có con sông Cầu nước chảy lơ thơ nằm giữa. Sức hấp dẫn của những làn điệu dân ca ngọt ngào trên quê hương quan họ cũng trở thành điểm hẹn thú vị đối với du khách muôn nơi vào mỗi độ Tết đến, Xuân về. Khi đó, những người nông dân vốn tần tảo một nắng hai sương lại xúng xính khoác lên mình bộ quần áo liền anh, liền chị; vai khoác chiếc nón quai thao, tay mang theo cơi trầu têm cánh phượng để đến với những canh hát quan họ và cất lên những câu hát làm lay động lòng người…

Vẻ đẹp riêng của quan họ đã được nhà thơ Nguyễn Phan Hách cảm nhận rất trữ tình trong bài thơ Làng quan họ của ông. Bắt đầu từ hình ảnh sông Cầu được ví như chiếc bao xanh (một phần trang phục của các liền chị). Làng quan họ thì được ví von như các liền chị tươi duyên, nền nã cùng các liền anh cất lên những câu ca đượm tình tha thiết. Sông Cầu làm bao xanh/ Ngang lưng làng quan họ/ Những cánh buồm nhớ thương/ Câu ca đầu ngọn gió. Những câu quan họ dù ở làn điệu nào (có tới mấy trăm làn điệu cổ các em nhé), cũng chất chứa các cung bậc tình cảm của trái tim, cũng luyến láy, mềm mại và truyền cảm. Hát quan họ phải đạt tới độ vang, rền, nền, nẩy mới được gọi là hay. Người chơi quan họ điêu luyện phải sở hữu được giọng ca đan điền (lấy hơi từ bụng). Quan họ có khác gì những cánh buồm thương nhớ, lồng lộng tình người và luôn phiêu diêu nhẹ nhàng như ở đầu ngọn gió. Gió đẩy buồm đi, câu ca quan họ chở trong đó muôn vàn thương nhớ.

Cuộc chơi quan họ được nối dài từ đời này sang đời khác, mang vẻ đẹp vừa dân dã vừa sang trọng. Cứ như một dòng sông không bao giờ ngưng chảy, từ lao động, từ đời thường nhiều lam lũ, cực nhọc của nhân dân ươm lên những làn điệu dân ca mang vẻ đẹp bất hủ muôn đời. Mẹ giặt yếm bên sông/ Đêm trăng thanh hát gọi/ Con nước chảy lơ thơ/ Con cò đi lặn lội. Yếm là trang phục rất quen thuộc của các cô gái ngày xưa, cũng như các liền chị. Hình ảnh Mẹ giặt yếm bên sông thương đến nao lòng nối với dư âm Đêm trăng thanh hát gọi gợi lên sắc thái khó lẫn của làng quan họ. Hình ảnh Con nước chảy lơ thơ thoạt nghe có vẻ đối lập với hình ảnh Con cò đi lặn lội nhưng chẳng phải đâu, nó hài hòa trong vẻ đẹp làng quan họ, người quan họ đó. Dù vất vả lênh đênh đến mấy vẫn cứ thanh tao nhã nhặn. Cái sự lơ thơ của sông Cầu như là một phần quan họ vậy. Nên nó xứng đáng mang mỹ danh dòng sông quan họ. Chúng ta lại tiếp tục chiêm ngắm, thưởng thức sắc âm tuyệt diệu của làng quan họ, các em nhé. Những canh quan họ vấn vít thâu đêm, giêng hai mùa hội đến hẹn lại lên, nón thúng quai thao, cái mộc mạc bình dị lắng sâu tinh tế cứ thế thấp thoáng, ẩn hiện xa gần trong những câu thơ đẹp: Tháng Giêng mùa hát hội/ Áo nâu ướp hương trầm/ Nón thúng quai thao rủ/ Buông dài nếp xống thâm.

Nét quan họ xưa được bảo lưu, gìn giữ trong thi ca. Chen nhau sau khóm trúc/ Trống cơm vỗ bập bùng/ Mắt như dao cau ấy/ Nhìn bên Đoài, bên Đông. Không nói hết, làm sao nói hết được nhưng vẫn đủ cho ta hình dung về quan họ. Những trúc xinh, những trống cơm cùng với mắt sắc dao cau dẫn ta vào làng quan họ vừa quen, vừa lạ, vừa xưa vừa nay và mãi mãi không mất đi. Bởi vì đó là cái đẹp mang tên quan họ, mang tên Kinh Bắc, mang tên Việt Nam. Lẽ nào, vào Xuân ta không cùng nhau lên với Kinh Bắc, lên với sông Cầu, lên với quan họ, các em nhỉ!

Nhà thơ Mai Quý

Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Chăm học, số Tết năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!

Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Chăm học. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé!

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Làng Quan họ tại chuyên mục Sáng Tác của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Ý tưởng khởi nghiệp

Buổi học cuối cùng của năm học cũ, tiếng ve râm ran ngoài sân trường dội cùng cái nắng như ...

Bài Sáng Tác khác

Điều diệu kỳ từ những trang báo tuổi thơ

Ngày ấy, cu Minh còn bé xíu, chưa đi học. Tôi rất quý Minh, vì nhà nó có cả một thư viện nhỏ. Ba nó là thầy giáo dạy văn trên tỉnh. Cuối tháng, ông mới về nhà một hai hôm. Mỗi lần về, ba cu Minh mang theo cả một cặp toàn sách và báo. Lại có cả những tờ báo dành cho lứa tuổi như bọn tôi. Tờ báo Thiếu niên Tiền phong, tờ báo Nhi Đồng…

"Phóng viên nhỏ" kể chuyện

Chúng mình cùng nghe các phóng viên nhỏ kể về những người mà các bạn ấy vô cùng yêu mến. Và các bạn cũng đừng quên thi đua viết bài gửi về chuyên mục để được đăng báo và nhận nhuận bút rất hấp dẫn nhé!

Đừng lãng phí thời gian bạn nhé

“Cún Bông ơi, vì sao mọi người vẫn ví “thời gian là vàng” bạn nhỉ?”– Hôm nay, trong lúc ngồi chơi cùng các bạn dưới gốc cây ở sân trường, Sóc Nâu đã hỏi Cún Bông câu ấy.

Thèm sao một lá thư tay

Cuối tuần, sắp lại đồ cũ của những hoài niệm, bất chợt tôi bắt gặp một lá thư kẹp trong cuốn sổ cũ kỹ từ năm nảo năm nào. Hồi hộp mở thư ra xem, những dòng chữ ngay ngắn tuy đã nhòe mực nhưng như đưa tôi trở về thuở ấy…

Sự chăm chỉ và điều khác biệt

Hôm nay, ở lớp học của Cún Bông được nhận đón một tin vui ơi là vui, đó là bạn Họa Mi đã được trao giải Nhất cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc.

Bà cố của Ken

Vừa đến cây dừa đầu ngõ, Ken đã nghe thấy tiếng bà cố (tức cụ) vọng ra: