Chỉ cần một vài hòn than trong bếp, viên phấn bỏ dở nhặt nhạnh của cô giáo ở trường hay bất kỳ thứ gì có thể khắc vạch, chắc chắn rằng, ngay tức khắc tôi sẽ cho ra đời một tác phẩm “kinh điển”. Tôi khắc sự yêu thương lên góc bếp bằng những hình vẽ ngộ nghĩnh đáng yêu mà đề tài chủ yếu là bốn thành viên trong gia đình. Ở góc phải người tôi tạo dựng hình mẫu to béo, bụng bự kia là ba, kế bên dáng người mảnh khảnh, trên miệng có cái răng khểnh kia là mẹ, bên góc trái là chị gái với hai bím tóc được thắt cẩn thận còn cuối cùng là tôi - con bé đen nhẻm như cục đường mía, điệu đà với cái nơ bờm màu vàng, nhe hàm răng sún gần hết vì kẹo. Vô tình, góc bếp nhà tôi trở thành trại sáng tác thiếu nhi có tiếng tăm trong khắp gia đình và tôi là chủ nhiệm kiêm họa sĩ thiết kế.
Ngày tháng qua đi những mảng tường trống dần vơi đi thay vào đó là những bức tranh nguệch ngoạc của tôi lại dày đặc thêm. Có đôi chỗ màu thời gian đã phủ một lớp bụi dày lên những nét vẽ ở mùa trước. Đôi lúc nhận thấy đó là một điểm xấu cho tác phẩm tranh tường đồ sộ của mình nhưng tôi vẫn không nỡ xóa bỏ. Ngày qua ngày nét vẽ cứ chen chúc chạy đua cùng dòng chảy thời gian đồng nghĩa với việc tuổi tác ba mẹ cũng nhiều lên. Vậy mà, chúng tôi vẫn cứ vô tư lớn lên để mặc cho thời gian bên ba mẹ ngày càng ít lại.
Thế rồi, căn bệnh suy thận và tuổi tác đã cướp ba tôi đi. Ngày đưa ba về cõi vĩnh hằng, nhìn về mẹ tôi mới chực òa khóc nhận ra những nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ đã không thể nào dùng con số đếm nổi. Tôi lại tìm về nơi góc bếp và mới thấy hết sự xa lạ, vì đã lâu tôi bỏ quên nó, bỏ quên những hình vẽ một thời, bỏ quên những ngày tháng êm đềm bên gia đình…
Sau khi ba tôi mất, mọi người chung tay giúp gia đình tôi xây dựng lại ngôi nhà. Mọi người góp ý với mẹ nên xây lại góc bếp cho đẹp hơn. Chỗ này nên có một cái tủ bằng gỗ, chỗ kia lót một vài tấm gạch hoa… nhưng mẹ tôi chỉ đứng lặng im, mắt rưng rưng mà lắc đầu quầy quậy nhìn hai chị em chúng tôi. Lúc đó tôi có đủ nhạy cảm để hiểu mẹ đang nghĩ gì. Mẹ tôi không muốn thay đổi bất cứ điều gì nơi góc bếp này, dù nó có cũ kĩ hay xấu xí. Bởi đó là dấu ấn của một thời nghèo khó nhưng gia đình tôi đong đầy hạnh phúc. Mẹ muốn mượn những hình ảnh ấy nhắc nhở chúng tôi hãy biết sống yêu thương. Dù sắc màu thời gian đã nhạt nhòa nhưng nếu chúng ta đủ tình yêu thương vẫn có thể khắc vạch lên đó những mảng màu mới. Tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn, tươi sáng hơn.
VÕ VĂN TUYỀN
(Giáo viên trường PTDTBT THCS Phước Chánh, Phước Sơn, Quảng Nam)