Tìm hiểu gia đình hạnh phúc qua những câu tục ngữ, ca dao

Vân Chi
Ca dao tục ngữ về gia đình được truyền lại bởi ông cha ta ngày xưa để ca ngợi những giá trị tình thân. Đồng thời, trong những câu ca dao, tục ngữ cũng luôn hướng mỗi thành viên đến sự gắn kết tình cảm gia đình.

Tự bao đời nay, trong tâm thức của người Việt, gia đình hạnh phúc luôn được vun trồng và hình thành từ đạo lý, nghĩa tình. Lòng tôn kính với ông bà, cha mẹ và tổ tiên đã hình thành nên một nét đặc sắc trong văn hóa Việt Nam. Bao thế hệ người Việt Nam đã lớn lên từ bài học giản dị qua ru, lời dạy của ông bà, cha mẹ trong gia đình:

"Con người có tổ có tông 

 Như cây có cội như sông có nguồn".

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, có biết bao câu ca dao, tục ngữ về gia đình và những thành tố quan trọng để làm nên gia đình hạnh phúc. Trong quan niệm của cha ông, gia đình hạnh phúc là gia đình hòa thuận, con cháu hiếu thảo với ông bà cha mẹ, anh chị em yêu quý lẫn nhau, các thành viên trong gia đình biết học tập, tu dưỡng và biết giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

"Vợ chồng là ruột là rà 

 Anh em có cửa có nhà anh em 

 Sao cho trong ấm ngoài êm 

 Như thuyền có bến như chim có bầy".

Điều lớn lao nhất trong gia đình là vợ chồng thương yêu nhau, tâm đầu, ý hợp: "Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn". Trong gia đình, "Vợ chồng là nghĩa tao khang/ Chồng hoà vợ thuận nhà thường yên vui", nghĩa tình được gìn giữ thủy chung sau trước:

"Đã rằng là nghĩa vợ chồng,

Dầu cho nghiêng núi, cạn sông chẳng rời."

Và hạnh phúc giản đơn là cuộc sống chỉ có một vợ, một chồng: "Đói no một vợ một chồng/ Một miếng cơm tấm, đồng lòng thương nhau", luôn thương yêu nhường nhịn nhau, không phụ thuộc vào tài sản nhiều hay ít:

"Nhà em có vại cà đầy,

Có ao rau muống, có đầy chum tương.

Dù không mỹ vị, cao lương,

Trên thờ cha mẹ, dưới nhường anh em.

Một nhà vui vẻ êm đềm,

Đói no tùy cảnh, không thèm lụy ai".

Gia đình hạnh phúc được gắn liền với trách nhiệm các thành viên: "Đàn ông xây nhà. Đàn bà xây tổ ấm". Trong gia đình hạnh phúc, chữ "hiếu" trở thành đạo lý được đặt lên hàng đầu:

"Công cha như núi Thái Sơn 

 Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra 

 Một lòng thờ mẹ kính cha 

 Cho tròn chữ "Hiếu" mới là đạo con".

Có nhiều câu ca dao đã hướng con người đến đạo làm con: "Dạy con, con nhớ  lấy lời/ Trọng cha, kính mẹ, suốt đời chớ quên", hay như:

"Làm trai nết đủ trăm đường

Trước tiên điều hiếu: đạo thường xưa nay

Công cha đức mẹ cao dày

Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ

Nuôi con khó nhọc đến giờ

Trưởng thành con phải biết thờ hai thân

Thức khuya dậy sớm cho cần

Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con hay"

"Con ơi ghi nhớ lời này/Công cha, nghĩa mẹ, công thày chớ quên". Lòng biết ơn cha mẹ là khởi nguồn của đạo hiếu. "Ơn cha nặng lắm cha ơi/ Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang". Từ đó đã có lời nhắc nhở: "Tu đâu cho bằng tu nhà/Thờ cha kính mẹ mới chân tu". Quả báo sẽ đến với "Ai bỏ cha mẹ cơ hàn. Ngày sau Trời phạt đứng đàng ăn xin".

Trong đạo làm người, không chỉ hiếu kính với cha mẹ mà còn phải hiếu kính với ông bà:

"Ông bà là ngọc là vàng

Ai mà biết quý phúc rơi đầy nhà".

Hạnh phúc gia đình được quan niệm thật giản đơn khi chúng ta có đủ đầy cha mẹ: "Mẹ còn là cả trời hoa/ Cha còn là cả một tòa kim cương" hay "Có cha, có mẹ có hơn/ Không cha, không mẹ như đờn không dây"; có cháu con vui vầy: "Có vàng vàng chẳng hay phô/ Có con con nói trầm trồ mẹ nghe"

Trong quan niệm của người Việt Nam, hạnh phúc luôn gắn liền với đức hạnh. Chữ đức luôn được coi trọng. Đức là nền tảng của phúc. Cha ông ta quan niệm: "Có đức thả sức mà ăn", tích đức cho con hơn tích của:

"Cha mẹ để của bằng non, 

 Không bằng để đức cho con ở đời".

Hạnh phúc không tự nhiên mà có. Để có gia đình hạnh phúc, đòi hỏi mỗi thành viên trong gia đình cùng phải vun đắp. Sinh con, cha mẹ phải nuôi dưỡng và dạy con: "Dạy con từ thưở còn thơ" hay "Dạy con từ thưở lên ba/ Dạy con từ thưở con còn ngây thơ". Mỗi thành viên trong gia đình đều phải chú trọng giữ gìn nhân cách: "Giấy rách phải biết giữ lấy lề". Trong dạy con, ông cha ta chú trọng dạy lễ phép:

"Bảo vâng, gọi dạ, con ơi, 

 Vâng lời sau trước, con thời chớ quên. 

 Công cha, nghĩa mẹ, khôn đền, 

 Vào thưa, ra gửi, mới nên con người".

Cùng với lễ phép, con trẻ cũng cần phải tu dưỡng, học tập. Những lời răn dạy qua ca dao thật nhẹ nhàng, thấm thía:

"Con ơi muốn nên thân người,

Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.

Gái thời dệt gấm thêu hoa,

Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa.

Trai thời đọc sách ngâm thơ,

Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.

Mai sau nối được nghiệp nhà,

Trước là đẹp mặt, sau là ấm thân".

Trong gia đình hạnh phúc, anh chị em thuận hòa, biết thương yêu giúp đỡ nhau: "Môi hở răng lạnh", "Máu chảy ruột mềm", "Chị ngã, em nâng", "Anh em như thể chân tay, Anh em hoà thuận, hai thân vui vầy". Hay:

"Anh em nào phải người xa 

 Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân 

 Yêu nhau như thể tay chân 

 Anh em hoà thuận, hai thân vui vầy."

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

  • Tags
Bạn đang đọc bài viết Tìm hiểu gia đình hạnh phúc qua những câu tục ngữ, ca dao tại chuyên mục Sáng Tác của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Nhảy lên và hét

Tác phẩm văn học thiếu nhi “Nhảy lên và hét” là hồi tưởng sống động của cầu thủ nổi ...

Bài Sáng Tác khác

Chuyện nàng Lòa

Xưa kia, ở một bản người Mèo có một nhà khá giả, nhà ấy sinh được hai anh em. Người anh trai trắng đẹp, khỏe mạnh, còn cô em gái thì đen xấu, gầy còm. Nàng lại không may bị lòa từ thuở lọt lòng. Cả nhà ai cũng rất yêu thương nàng, nhất là người anh.

Bay lên diều giấy

Mùa Hè lại về. Bầu trời phía trên cánh đồng đã gặt tràn ngập sắc màu của những cánh diều lộng lẫy.

Cho ban mai thoảng một chút buồn

Hôm nay, hộp kẹo trên bàn tôi lại hết mất rồi. Tôi không biết nữa. Mọi thứ của bây giờ có vẻ tệ đi… một chút. Có rất nhiều điều đã qua, có những lời nói, hay kể cả con người khiến tôi mệt mỏi. Và tôi chọn chạy biến về nhà, sau khi đã đôi co lắm thứ đến phát ngán.

Vua ngan xóm hồ tranh hùng với gà trống

Mùa hè đang vẫy gọi bạn và tôi với biết bao nhiêu trải nghiệm thú vị. Mời bạn cùng đến với những câu chuyện rất hay được các nhà văn, nhà thơ gửi đến tặng “Khu vườn xinh” của chúng mình nhé!