Tình bạn quý giá

Chu Hải
TNTP - Nhiều lần tôi cứ nghĩ mình như vị khách lạ trong khu xóm này. Ấy là khi bố tôi phá đi căn nhà cũ lụp xụp, dựng lên trên mảnh đất của mình một ngôi nhà ba tầng khang trang.

Thằng Tí bạn thân bắt đầu nhìn tôi bằng ánh mắt xa lạ. Tôi và nó cũng không còn những cuộc vui đùa dưới sông, dưới bến. Mẹ tôi cấm tiệt chuyện tôi mò cua, bắt ốc. Dường như không ai trong gia đình tôi muốn gợi về những ngày khốn khó đã qua. Bố tôi trúng một vụ lớn và nhà tôi sống một cuộc sống khác.

Thế nhưng, riêng tôi, bây giờ áo quần xúng xính, có đồng hồ đắt tiền, tôi vẫn không thấy cuộc sống của mình đẹp đẽ như trước. Nhiều lần soi gương, tôi không còn nhận ra cậu bé loắt choắt, đen nhẻm ngày nào. Tôi cũng không còn làm thủ lĩnh trong những cuộc chơi với lũ bạn trong xóm. Một khoảng cách vô hình nào đó, tôi không tài nào gọi tên được.

Thằng Tí ló ngó ở cổng bỗng đứng khựng lại, nó nghĩ ngợi điều gì đó rồi quay đi. Trước đây, để bước vào nhà tôi, thằng Tí không bao giờ ngần ngừ như thế, ngay cả khi trong nhà có con chó vừa to vừa dữ. Tay thằng Tí cầm khư khư mấy cuốn sách. Tôi đoán là nó tìm tôi nhưng tôi cố nán đợi thêm chút nữa. Tôi biết thằng Tí ngại bước chân vào nhà tôi, nó sợ ánh mắt dò xét của mẹ tôi.

Chốc lát, thằng Tí vụt chạy đi. Tôi xuống đuổi theo nó, không hiểu sao mũi tôi cay xộc, như thể tình bạn giữa tôi và nó sắp sửa bay đi như một cơn gió. Rồi nước mắt tôi giàn giụa, tôi đứng sững lại, mặc cho bóng thằng Tí khuất hẳn sau lùm tre xanh. Tôi chơ vơ giữa nắng. Tôi là thằng con trai yếu đuối, không thể vượt qua được những giọt nước mắt của chính mình.

Buổi trưa hôm sau, tôi chạm mặt thằng Tí ở cổng nhà ông Vinh. Nhà ông Vinh là nơi giữ lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm và là chốn vui chơi hấp dẫn nhất của mấy đứa trẻ trong làng. Ông Vinh bị cụt một tay, sống một mình nhưng tôi chưa bao giờ thấy ai có cuộc sống nhiều niềm vui như ông. Ông có cả một kho sách từ đông tây kim cổ hay những cuốn sách tuổi ấu thơ làm lũ trẻ mê mẩn. Góc sân nhà ông chiều nào cả nhóm cũng chơi đủ thử trò như bắn bi, gấp máy bay. Ông thường nói vui với chúng tôi: “Người mẹ chỉ có thể cho ta một cuộc sống nhưng sách cho ta rất nhiều cuộc sống – những cuộc sống không có nỗi buồn”. Ồ, có lẽ vậy, nếu không có những cuốn sách, tôi cứ nghĩ ông Vinh lủi thủi một mình hẳn sẽ cô đơn lắm!

Lần này, tôi chủ động chạy quay về nhà mình trước khi thằng Tí lại tránh mặt. Bởi tôi cảm nhận hình như nó ghét bộ quần áo không có một vết rách hay vết nhựa khoai, nhựa chuối của tôi. Nó ghét cả chiếc xe đạp mới tôi đang sở hữu. Chiếc xe đạp tôi từng ao ước, bây giờ mỗi lần dắt đi, lòng tôi lại có một nỗi buồn mênh mang.

Tối đó tôi qua nhà ông Vinh. Thằng Tí có gửi lại ở nhà ông Vinh mấy cuốn sách trả tôi. Nhận mấy cuốn sách ấy, tôi đã bật khóc nức nở như một đứa trẻ khi mẹ đi chợ về mà trong giỏ không có quà bánh. Ông Vinh dỗ tôi bằng một câu chuyện cũ của ông ngày nhỏ nhưng tôi vẫn thấy giữa tôi với thằng Tí đã có một khoảng cách rất lớn. Thậm chí có thể thằng Tí chẳng còn xem tôi là bạn nữa…

Trường phát động quyên góp sách, bút và quần áo cũ cho các bạn nghèo vùng cao. Lớp tôi cũng chỉ có vài nhà đủ điều kiện để hưởng ứng. Quần áo mặc đến lớp còn lấm lem, lấy đâu quần áo để quyên góp. Tối trước hôm đó, tôi đã khấp khởi gấp những chiếc quần áo cũ cho vào túi ni lông cẩn thận.

Sáng hôm sau đến lớp, tôi một tay xách cặp, một tay nặng trịch túi quần áo cũ khiến tụi bạn đứa nào cũng nhìn chăm chú.

- Ê, mang đi ủng hộ nhiều thế cơ à? – Giọng thằng Toàn có vẻ khiêu khích.

- Ờ!– Tôi trả lời một cách khô khốc.

- Sĩ…

Thằng Tùng kéo lê câu nói của mình sau lưng tôi và đến lúc tôi quay lại thì nó vờ ngoảnh mặt đi hướng khác. Hai ba đứa đứng cạnh nó cũng vậy. Lúc ấy, mặt tôi bỗng nóng ran lên.

Bỗng thằng Tí đứng phắt dậy, mắt chằm chặp nhìn về phía lũ bạn, dõng dạc nói:

- Mắc bệnh đố kị hả?

Mấy đứa kia im bặt. Rồi thằng Tí lẳng lặng đi ra khỏi lớp. Tôi nhìn theo nó và cố gắng không để lộ một giọt nước mắt nào để mấy thằng con trai lại có cơ hội cười nhạo. Thằng Tí lúc nào cũng là vị cứu tinh khi tôi bị bắt nạt như vậy. Mặc dù nó nhỏ xíu, y chang tên nó.

Trên đường về, tôi lầm lũi đi sau nó.

- Cho tao xin lỗi mày nhé Tí!

- Mày có lỗi gì?

- Tao xin lỗi vì đã làm mày ghét tao!

- Tao không ghét mày.

- Nhưng mày không chơi với tao nữa?

Đến đây thằng Tí im lặng, không nói thêm gì nữa. Nó cúi đầu bước chậm và nghĩ ngợi điều gì đó.

- Mày còn giữ những viên bi tao cho mày không Hoàng?

- Có chứ. Sao mày lại hỏi vậy hả Tí?

- Tao tưởng mày sẽ ném chúng đi! Tao sợ mày không muốn chơi bi với bọn tao nữa. Mày sẽ có những thứ đồ chơi đắt tiền…

- Ngoài mấy trò chơi với mày, tao có biết chơi gì nữa đâu!

- Chiều nay qua nhà ông Vinh nhé? Tao về đây!

Thằng Tí rẽ phải về con ngõ nhà nó, đi được mấy bước liền ngoảnh đầu lại gọi với theo: “Nhớ cầm theo mấy viên bi đó Hoàng”.

Lòng tôi bỗng dào dạt niềm vui. Tôi đứng lại giữa ngã ba và nhìn theo bóng thằng Tí đang hòa vào trong nắng. Có những khoảng thời gian như thế này, tôi mới càng hiểu thêm tình bạn giữa tôi với thằng Tí quý giá biết chừng nào…

Dương Hằng

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Tình bạn quý giá tại chuyên mục Sáng Tác của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Chiếc giày lẻ

Lớp An có một bạn mới chuyển đến. Bạn ấy tên Tùng và nhà nghèo lắm. Hơn thế, Tùng chỉ ...

Dòng sông trong tim tôi

Dòng sông giống như dòng chảy của thời gian. Từ xa xưa, loài người đã có mối liên kết đặc ...

Bài Sáng Tác khác

Vị tướng đan sọt

- Mau tránh đường cho Đức Ông dẫn quân đi qua! Tay Phạm Ngũ Lão vẫn thoăn thoắt đan sọt, đầu nghĩ tới những chiến lược quân sự nên chàng không nghe thấy tiếng thét của quân lính.

Mùi của nắng

Nếu ai đó hỏi bạn: Mùi nắng có mùi gì? Bạn sẽ trả lời thế nào? Thật khó để nói rõ vì đây là một thứ mơ hồ không thể nói cho rõ. Mùi của nắng.

Tình yêu của bà

Mai được sinh ra ở đất nước xa xôi Hàn Quốc, 6 tháng tuổi về Việt Nam và từ đó dần lớn lên trong tình yêu của “người mẹ” mang tên BÀ NGOẠI.