Tôi viết về Di Li, nhà văn mang "ma thuật" chơi đùa cùng con chữ

hueanh
Lúc đầu tôi nghĩ chị sẽ khó gần nhưng mọi thứ hoàn toàn ngược lại. Chị hồ hởi trao đổi cùng các sinh viên, truyền cảm hứng về văn hóa đọc cho họ trong xu thế đang dần bị văn hóa nghe – nhìn lấn át.

Khi nhắc tới cụm từ “thần tượng”, trong đầu tôi đã hiện lên một vài cái tên. Một người ca sĩ, một người diễn viên, một MC hay mấy người bạn của mình. Tuy nhiên, tôi không sốt sắng đặt bút viết ngay mà muốn ngẫm lại xem họ đã ảnh hưởng đến mình như ra sao để hoàn toàn xứng đáng với hai chữ “thần tượng”.

Thần tượng hay người truyền cảm hứng là một danh xưng khá vĩ mô, nó cũng giống như tín ngưỡng hay đức tin của quần chúng nhân dân vậy. Mọi người nương tựa vào con người đó, cá nhân đó để được an lành hơn trong tâm hồn, động lực hơn trong lao động và cảm xúc hơn trong tình yêu.

Tôi đoán sẽ có nhiều bạn trẻ chọn một vài nhân vật nổi tiếng hoặc bạn bè, thầy cô của mình để viết. Tôi không phủ nhận mình không có những người để “thầm thương trộm nhớ”, để làm “tấm gương điển hình tiên tiến”. Tuy nhiên, phải chăng tôi đã sống quá lý trí khi luôn nghĩ rằng: Mỗi người chúng ta sinh ra đã là khác biệt, đừng miệt mài bước tiếp như bản sao. Do đó, tôi hầu như không hoàn toàn thần tượng một ai cả. Tôi chỉ thấy rằng họ thật tốt ở mặt này, giỏi ở mặt kia nhưng cũng có cái mình hơn họ.

Tôi xin được mạn phép chia sẻ về một người mà trong lĩnh vực viết tôi bị ảnh hưởng khá nhiều bởi phong thái của chị: Nhà văn Di Li (Nguyễn Diệu Linh).

Nguồn ảnh: Người Đưa Tin

Tôi quen chị khá tình cờ, không phải tại một buổi tọa đàm văn học, một buổi giao lưu gặp gỡ hay trong một chuyến du lịch mà là bắt nguồn từ một cuốn sách. Là người đam mê du ký, tôi có thói quen đọc và sưu tầm những cuốn sách hay về thể loại này. Một phần để bổ sung kiến thức về các vùng miền khác nhau trên thế giới và “tò mò” xem những người đi họ làm gì ở đó, thêm nữa là học hỏi cách trình bày một tác phẩm ký như thế nào. Vô tình trong một lần đi ngó nghiêng các cửa hàng sách cũ trên đường Láng, Hà Nội, tôi tìm thấy cuốn “Đảo thiên đường” ghi tên tác giả Di Li.

Thoạt đầu tôi không có ý niệm gì về chị cả, một cái tên lạ hoắc trong giới travel-blogger mà tôi biết, hoặc nghe có vẻ na ná giống thủ đô của… nước Đông Ti Mo. Tặc lưỡi vì những thứ vẩn vơ ấy, tôi mua và dành nguyên buổi tối hôm đó để đọc. Ồ, càng đọc tôi càng ham và càng bị cuốn vào mạch truyện của cuốn sách này. Lạ thật, trước đấy tôi chưa từng có cảm giác này bao giờ cả. Lối trình bày linh hoạt nhưng câu văn vô cùng chắc chắn, từ phép ẩn dụ so sánh đến chơi chữ thật thú vị.

Những vùng đất chị đã đi qua như Luông Phrabang của Lào, Siêm Riệp của Campuchia, Seoul – Hàn Quốc hay thậm chí cả Helsinki của đất nước Phần Lan xa xôi hiện ra trước mắt một cách hoàn chỉnh và ngoạn mục. Không đi sâu tiểu tiết về việc ở đó ăn gì, chơi gì, làm gì cho rẻ như các bài báo hiện nay đang triển khai mà chị tả nơi ấy dưới con mắt của một nhà báo và một người làm truyền thông. Chị trình bày nghệ thuật bán hàng của người Trung Quốc, cách người Hàn Quốc làm thương hiệu quốc gia hay nạn ăn cắp tại trời Âu một cách đầy tự nhiên khiến tôi đọc không hề có cảm giác ngộp như một số bài viết nặng tính nghiệp vụ.

Gấp lại cuốn sách, tôi thở hắt ra như thể vừa nín thở, lặn ngắm nhìn thủy cung dưới đại dương và trồi lên mặt nước. Tôi vội vàng lấy bút gạch chân lại những đoạn văn hay, câu thoại thú vị hoặc phép ví von thâm thúy. Đôi lúc tôi bật cười vì tại sao mình cũng cảm thấy như vậy mà không thể diễn đạt nổi nhỉ. Tôi thích chị từ đó.

Nguồn ảnh: Tiền Phong Online

Dần dà lân la làm quen, đầu tiên từ những câu chào hỏi và giới thiệu qua Facebook, sau đó vô tình tôi gặp tại một buổi tọa đàm về sách dành cho sinh viên Hà Nội, thế là hai chị em gặp nhau chuyện trò sảng khoái.

Lúc đầu tôi nghĩ chị sẽ hơi khó gần vì dù sao người ta cũng là “hoa hậu” trong giới văn sĩ và lĩnh vực truyền thông, nhưng mọi thứ hoàn toàn ngược lại. Chị hồ hởi trao đổi cùng các sinh viên, truyền cảm hứng về văn hóa đọc cho họ trong xu thế đang dần bị văn hóa nghe – nhìn lấn át. Sau đó chị còn vui vẻ đáp lại những câu hỏi của tôi khi viết cuốn sách du ký đầu tay ấy. Tôi nói là đầu tay vì sau này, chị còn cho ra mắt tiếp ba cuốn nữa là: Nụ hôn thành Rome, Và tuyết đã rơi ngoài cửa sổ và gần đây là cuốn Bình minh ở Sahara kể về chuyến đi tới một số nước tại châu Âu, châu Phi của chị cùng nhóm bạn.

Tôi chăm theo dõi Facebook chị hơn, đọc những bài chị chia sẻ lên mạng xã hội về những vấn đề trong xã hội như: tình trạng chấm điểm ở bậc tiểu học giáo dục, thói cuồng thần tượng của giới trẻ hay văn hóa chèo kéo khách du lịch ở Việt Nam. Không đao to búa lớn, không hoa mỹ câu từ, những bài viết ở dạng nghị luận có pha chút châm biếm nên vừa rút ra vấn đề mà vẫn mang lại tiếng cười sảng khoái cho bạn đọc. Nhờ đó, tôi cũng học được đôi chút lối viết văn đầy ma thuật nhưng không gượng ép.

Ảnh sưu tầm

Chị chia sẻ: “Thực ra viết không có gì khó, chỉ đơn giản em hãy hình dung em đang đứng trước một hội đồng ban giám khảo và trình bày cho họ một vấn đề em quan tâm, thì tự khắc em sẽ biết mình phải viết gì”.

Chị cũng chỉ cho tôi làm thế nào để mô tả về một chuyến hành trình mà không bị sa đà vào tả cảnh như Lonely Planet hay truyền cho bạn đọc cảm xúc của mình nhưng không lo bị chê là “sến” hoặc giả tạo. Đây đều là những điều vô cùng bổ ích mà tôi chưa từng được học trên ghế nhà trường.

Tôi nhớ một lần được vinh dự dùng bữa tối thân mật cùng chị, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, chị Vũ Phương Liên – Giám đốc Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Liên Việt, ca sĩ Minh Thu cùng nhà thơ kiêm dịch giả Dick Gebuys người Hà Lan tại một nhà hàng trên phố Huế, Hà Nội. Lần đầu tiên được ngồi cùng mâm, ăn cùng món với những con người mà có tưởng tượng tôi chắc cũng không nghĩ tới. Tưởng chừng mọi thứ sẽ nghiêm trang, trịnh trọng như phong cách của những người nổi tiếng, nhưng không, từ đầu bữa tới cuối bữa, chúng tôi “no” căng bụng bởi tràng cười đùa không ngớt. Mọi người dành cho nhau những cụm ly sức khỏe và câu chuyện từ làng văn tới đời thực đầy cảm xúc. Lúc ấy tôi mới thấy chị thật thân thiện và dễ gần.

Đến nay chúng tôi biết nhau cũng được hai năm. Tôi cũng tham khảo ý kiến chị nhiều hơn về những bài báo của mình hay những vấn đề trong nghiệp vụ truyền thông. Chị như người chị lớn trong cuộc sống của tôi vậy. Tôi tìm đọc thêm các thể loại khác mà chị đã xuất bản như truyện ngắn, tản văn hay ký sự chân dung để làm phong phú thêm kho tàng ngôn ngữ của mình.

Chị nói: “Đã là con mình đẻ ra là phải ĐẸP”. Bởi vậy, dù ở thể loại nào, hành văn nào tôi vẫn thấy trong đó phảng phất một Di Li vừa mạnh mẽ, quyết đoán trong lối lập luận nhưng vẫn dịu dàng, mềm mại trong từng câu chữ của mình.

Nguyễn Huy Tùng

(Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Cuộc thi "MY IDOL - THẦN TƯỢNG TRONG TÔI" do Báo điện tử Thiếu niên Tiền phong tổ chức (từ 05/06 đến 05/07) là nơi để độc giả chia sẻ những cảm xúc, câu chuyện, kỷ niệm đáng nhớ của mình và thần tượng,... 

Bài dự thi gửi về địa chỉ email: cuocthi@thieunien.vn.

Bài dự thi ghi rõ: Bài dự thi "My idol - Thần tượng trong tôi"

- Họ tên:

- Địa chỉ:

- Điện thoại:

- Đường link Facebook:

- Thí sinh được tham gia không giới hạn số lượng bài dự thi

- Thể loại: Bài viết (1 ảnh và tối thiểu 400 chữ, tối đa 1.500 chữ)

- Bộ ảnh kèm chú thích (3-10 ảnh, tối đa 200 chữ/ảnh)

- Bài video (tối thiểu 30 giây và tối đa 5 phút)

- Ngoài ra, Ban tổ chức cũng chấp nhận các dạng bài dưới dạng tranh vẽ (Vẽ chân dung mẹ, bà, cô giáo…v.v)

- Ảnh dự thi có thể chụp bằng máy ảnh, điện thoại di động hoặc các thiết bị kỹ thuật số khác. Bài ảnh và bài viết chưa từng đăng trên các báo, diễn đàn khác.

- Viết bằng tiếng Việt, có dấu, không viết tắt, không sử dụng teencode...

Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Tôi viết về Di Li, nhà văn mang "ma thuật" chơi đùa cùng con chữ tại chuyên mục Sáng Tác của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Chiếc giày lẻ

Lớp An có một bạn mới chuyển đến. Bạn ấy tên Tùng và nhà nghèo lắm. Hơn thế, Tùng chỉ ...

Dòng sông trong tim tôi

Dòng sông giống như dòng chảy của thời gian. Từ xa xưa, loài người đã có mối liên kết đặc ...

Bài Sáng Tác khác

Vị tướng đan sọt

- Mau tránh đường cho Đức Ông dẫn quân đi qua! Tay Phạm Ngũ Lão vẫn thoăn thoắt đan sọt, đầu nghĩ tới những chiến lược quân sự nên chàng không nghe thấy tiếng thét của quân lính.

Mùi của nắng

Nếu ai đó hỏi bạn: Mùi nắng có mùi gì? Bạn sẽ trả lời thế nào? Thật khó để nói rõ vì đây là một thứ mơ hồ không thể nói cho rõ. Mùi của nắng.

Tình yêu của bà

Mai được sinh ra ở đất nước xa xôi Hàn Quốc, 6 tháng tuổi về Việt Nam và từ đó dần lớn lên trong tình yêu của “người mẹ” mang tên BÀ NGOẠI.