Bước vào tháng 4, tiết trời bắt đầu gay gắt bởi những cơn nắng oi ả, nóng bức bao phủ cả bầu trời Sài Gòn. Giữa trưa, nhiệt độ có thể lên tới mức 37 - 39 độ C, người tham gia giao thông hay làm việc ngoài trời đều phải đối mặt với cái nóng bỏng da rát thịt. Những buổi trưa như thế này thì việc tìm một loại nước giải nhiệt để xua tan cơn khát luôn được ưu tiên lựa chọn.
Năm 2017, khi mùa cam trĩu quả là lúc hàng trăm người bày bán "cam ép vắt tại chỗ". Tới mùa hè năm nay, "trà tắc khổng lồ" bất ngờ trở thành "siêu phẩm" được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là học sinh, sinh viên và người lao động.
Dưới cái nóng như lửa đốt trên đầu, nhất là vào buổi trưa đến xế chiều, những tuyến đường Sài Gòn, đặc biệt là ở các quận ngoại ô như quận Gò Vấp, Tân Phú, Tân Bình… sẽ thường dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ly trà tắc khổng lồ (hay còn gọi là ly size 1 lít) được bày bán khắp nơi. Chỉ với một chiếc bàn nhỏ đầy ắp những ly trà xếp chồng lên nhau tạo cảm giác rất hoành tráng. Bên cạnh đó, rổ tắc với trái xanh trái vàng cùng những nguyên liệu, vật dụng pha chế theo phong cách "nhà làm" như hũ đường nhựa, đường cát trắng, cát vàng, tấm thớt gỗ... Còn ở các quận trung tâm thì trà tắc được bán cùng các hàng nước mía, nước rau má, cafe cóc ven đường.
Với đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt, người pha chế khi nghe khách qua đường gọi to: "Một trà tắc khổng lồ đem về" sẽ liền tay lấy tầm 3 - 4 trái tắc, cắt đôi và vắt vào ly trà đã được pha sẵn. Sau đó, họ tiếp tục bỏ đường, nhanh tay khuấy đều, thêm cả vỏ tắc nhằm tạo màu sắc hấp dẫn, ấn tượng. Giây phút nhìn thấy từng muỗng đá viên mát lạnh hòa vào dòng nước trà thanh mát, bạn sẽ cảm thấy đoạn đường sắp đi trở nên dễ chịu hơn vì đã có ly trà tắc mát lạnh, giải nhiệt cơn nóng tức thì.
Trà tắc là một loại thức uống mát lành quen thuộc trong menu các quán nước vỉa hè. Tuy nhiên, vào mùa nắng nóng thì lại "hot" hơn bao giờ hết vì nhu cầu giải khát tăng cao, đặc biệt khách hàng trên đường thường bị hấp dẫn bởi hình thức "to và rẻ". Có thể nói rằng, "trà tắc khổng lồ" là một dạng thức uống giải khát "phong trào", xuất phát từ "một người bán, nhiều người bán theo" bởi công thức pha trà tắc cực kì đơn giản và dễ thực hiện.
Công dụng đặc biệt của trà tắc
Trái tắc rất giàu vitamin C, A, B2, chất xơ, các khoáng chất cần thiết cho cơ thể và tăng sức đề kháng như pectin, sắt, đồng, mangan, magie... Khi muốn giải khát, có thể pha nước trái tắc với đường hoặc muối để uống.
Vỏ trái tắc có chứa rất nhiều tinh dầu thơm, cay, có tác dụng an thần, thư giãn như a-pinen 0,4%; b -pinen 2,7%; sabinen 2,8%; limonen 8,4%; b-ocimen 0,3%; linalol 1,55… Do đó khi bạn muốn thư giãn, có thể ngâm chân, tay trong nước ấm có pha muối hột và thả trong đó một ít vỏ trái tắc.
Trái tắc còn là loại thảo dược có tác dụng chữa ho, long đờm rất tốt, nhất là với trẻ em. Có thể dùng 2-3 trái tắc bổ đôi, bỏ hạt, hấp cách thủy với đường phèn, uống 3-4 lần/ ngày.
Tắc ngâm đường hay muối cũng là loại xi rô pha nước uống rất có lợi cho sức khỏe, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Dùng trái tắc chín vàng, lấy dao khía dọc thân hoặc kim châm quanh traí tắc rồi xếp vào hũ thủy tinh. Cứ một lớp tắc lại phủ một lớp đường (hoặc muối) cho đến hết. Cuối cùng là một lớp đường dày, rồi lấy vỉ nén chặt lại, đậy nắp hũ cho kín. Để 3 tháng là dùng được.
Mai Lâm (tổng hợp)