Cây mít na của ông bà ngoại

Chu Hải
TNTP - Nhà ngoại tôi có một cây mít na cổ thụ trước sân. Chẳng biết cây có từ bao giờ nhưng lúc lên năm tuổi, ngồi bên thềm nhà, tôi đã thấy bóng cây che mát cả khoảng sân rộng lớn.

Bà tôi bảo rằng, cây mít na được ông trồng từ ngày mẹ tôi còn nhỏ. Mỗi năm, cây cho biết bao nhiêu quả ngọt. Mỗi dịp chị em tôi về quê chơi, cây mít lại trở thành người bạn thân thiết của tụi trẻ con.

Mùa xuân, cây cối trong vườn đâm chồi, nẩy lộc. Cây mít na già nua dường như cũng như trẻ lại, dang tay đón những đàn chim di cư trở về. Thân cây cao thẳng đứng, sừng sững qua tháng ngày. Gốc cây to đến mức một vòng tay ôm không xuể, đó cũng là nơi ẩn nấp của chị em tôi những lúc chơi trốn tìm. Cây có hai cành lớn như hai cánh tay của người khổng lồ dang rộng, vươn dài. Từng cành nhỏ xòe ra “nhánh chị”, “nhánh em” với những chiếc lá xanh thẫm tựa như những bàn tay nhỏ đan vào nhau, tạo thành vòm xanh rợp mát sân nhà. Sau những ngày mưa phùn ẩm ướt, trên lớp vỏ sần sùi rêu mốc lại chồi lên muôn ngàn búp non. Bẵng đi ít lâu, khi về quê, tôi đã thấy cơ man nào là những trái mít non xanh mướt, lấm tấm đầy phấn trắng. Trái mít lớn rất nhanh, chẳng mấy chốc to bằng nắm tay, bằng cái bát rồi bằng cái niêu đất. Quả mít trông gai góc là thế mà khi bổ ra lại cho hương vị thơm ngon trên từng múi vàng ươm, ăn mãi không biết chán.

Dịp nghỉ hè năm nào, mẹ cũng cho chị em tôi về quê ngoại chơi. Nhìn những quả mít căng tròn bám đầy thân cây như đàn lợn con lúc nhúc bám quanh lợn mẹ, chúng tôi thích lắm. Mùa hè đến cũng là mùa mít chín. Mùi mít thơm lừng từ nhà dưới lên nhà trên, chẳng thể nào giấu được. Sáng nào cũng vậy, vừa tỉnh giấc chui ra khỏi giường, chị em tôi lại tranh nhau vác sào đi vỗ mít. Hễ thấy quả nào khác tiếng là hai đứa reo lên đầy thích thú. Quả mít chín đầu mùa, bà luôn kính cẩn dâng lên bàn thờ, thắp hương cho các cụ. Sau đó, bà lựa những quả to đẹp để gửi biếu họ hàng gần xa. Món quà quê dân dã ấy gói ghém biết bao yêu thương, ân tình của người dân vùng quê. Ăn múi mít ngọt thơm, ai cũng nhớ tới tấm lòng thơm thảo của bà. Cậu tôi còn bảo rằng, dù sống nhiều năm ở thành phố, ăn nhiều “của ngon vật lạ” nhưng chẳng có gì sánh được với hương vị của trái mít na nơi vườn nhà. Lần nào về quê, cậu cũng mang vài quả ra thành phố làm quà cho các đồng nghiệp.

Đặc biệt, những buổi chiều hè dưới bóng cây mát rượi, bà thường trải chiếu cho chị em tôi ngồi chơi. Em tôi nhặt những chiếc lá mít vừa rụng, đòi bà làm thành chú nghé nhỏ. Tôi vừa nhổ tóc sâu cho bà, vừa nghe bà kể những câu chuyện từ năm nảo năm nao. Trên vòm cao, gió thổi xào xạc. Lũ chim ca hát líu lo, làm huyên náo cả khu vườn. Những cô chào mào đỏm dáng, những chú chim sâu tinh nghịch rồi mẹ con nhà sẻ nâu vỗ vỗ đôi cánh, tíu tít bay từ cành mít sang cành bưởi rồi sà xuống hiên nhà... Những ngày hè của chị em tôi cứ trôi qua êm đềm như thế dưới vòm cây xanh biếc chốn vườn quê. Cây chẳng nhớ đã cho bao mùa quả ngọt, cũng chẳng nhớ đã đón bao bầy chim tìm về xây tổ mà cứ âm thầm bám đất quê hương, chắt chiu từng dòng nhựa sống để hiến dâng những trái mít ngọt thơm. Giống như ông bà tôi cả một đời tảo tần mưa nắng, vất vả lam lũ để nuôi đàn con khôn lớn thành người.

Nhớ quê ngoại là tôi nhớ về khoảng trời xanh rợp mát trước sân. Nhớ quê ngoại là tôi nhớ về những yêu thương ngọt lành mà ông bà luôn để phần cho các con, các cháu phương xa. Mong sao mùa hè đến thật mau để tôi lại được về quê, được sà vào vòng tay của bà, nằm nghe bà kể chuyện rồi chìm sâu vào giấc ngủ yên bình.

ĐẶNG Ý NHI
(Lớp 7D, THCS Thị trấn Sóc Sơn, Hà Nội)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Cây mít na của ông bà ngoại tại chuyên mục Sáng Tác của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Chiếc giày lẻ

Lớp An có một bạn mới chuyển đến. Bạn ấy tên Tùng và nhà nghèo lắm. Hơn thế, Tùng chỉ ...

Dòng sông trong tim tôi

Dòng sông giống như dòng chảy của thời gian. Từ xa xưa, loài người đã có mối liên kết đặc ...

Bài Sáng Tác khác

Vị tướng đan sọt

- Mau tránh đường cho Đức Ông dẫn quân đi qua! Tay Phạm Ngũ Lão vẫn thoăn thoắt đan sọt, đầu nghĩ tới những chiến lược quân sự nên chàng không nghe thấy tiếng thét của quân lính.

Mùi của nắng

Nếu ai đó hỏi bạn: Mùi nắng có mùi gì? Bạn sẽ trả lời thế nào? Thật khó để nói rõ vì đây là một thứ mơ hồ không thể nói cho rõ. Mùi của nắng.

Tình yêu của bà

Mai được sinh ra ở đất nước xa xôi Hàn Quốc, 6 tháng tuổi về Việt Nam và từ đó dần lớn lên trong tình yêu của “người mẹ” mang tên BÀ NGOẠI.