Mỗi chúng ta đều đã và đang là “Totto-chan”

Bài dự thi cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc 2020”
Người ta thường hay nói, âm nhạc là thứ có thể chữa lành các vết thương. Tuy nhiên, đối với tôi, ngôn từ mới là thứ để lại nhiều kí ức sâu sắc và ấn tượng hơn cả.

Vì thế nên thay vì lắng nghe và cảm thụ những giai điệu thì tôi lại thích đọc sách và thả mình theo những con chữ vào lúc rảnh rang. Các cuốn sách hay luôn đưa tôi vào một thế giới riêng, nơi tràn ngập những khao khát,những ước vọng đẹp đẽ và bay bổng được vun đắp từ sức mạnh của ngôn từ. Chính vì vậy mà tôi tin rằng trên đời này, ai ai chắc hẳn cũng đều có cho riêng mình ít nhất một cuốn sách yêu thích. Còn đối với tôi, đó là cuốn “Totto-chan bên cửa sổ” của tác giả người Nhật Bản, ông Kuroyanagi Tetsuko.

Đây là một cuốn sách cũ, xuất bản cũng đã lâu. Tuy nhiên, nó luôn nhận được sự yêu thích và bình luận tích cực từ các độc giả khắp nơi trên toàn thế giới. Hiện nay, không ai là không biết tới tựa đề vừa quen thuộc lại đầy hoài niệm này. “Totto-chan bên cửa sổ” đã là một cái tên quá đỗi thân thuộc đối với các độc giả nói chung và thế hệ 9x, 10x nói riêng. Lần đầu xuất bản vào năm 1981, cuốn sách đã gây được tiếng vang lớn không chỉ tại Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất trong lịch sử xuất bản của đất nước Mặt trời mọc. Được dịch ra 33 thứ tiếng khác nhau, “Totto-chan bên cửa sổ” được coi là tác phẩm kinh điển dành cho thiếu nhi với ngôn từ trong sáng, giản dị nhưng lại vô cùng sâu sắc và giàu ý nghĩa.

Tuy nổi tiếng là vậy, nhưng phải mãi đến tận năm mười tuổi, tức là vào năm 2016, tôi mới có cơ hội đọc được cuốn sách kì diệu này. Năm đó, trí tưởng tượng non nớt của tôi đã được vun đắp và bồi dưỡng nhờ chính những câu từ giản dị mà đầy nhân văn của tác giả Tetsuko. Tính tới bây giờ cũng đã là bốn năm, nếu nói những ấn tượng mà tác phẩm ấy để lại trong tôi không hề thay đổi thì là không đúng. Qua năm tháng, tác phẩm ấy vừa giúp tôi ngẫm ra nhiều điều, lại vừa cho tôi cơ hội được nhìn ngắm cuộc sống qua nhiều lăng kính khác nhau vô cùng phong phú. Vậy nên, ấn tượng hiện tại của tôi về “Totto-chan bên cửa sổ” đương nhiên có khác biệt so với những cảm nhận của bốn năm trước. Ngày ấy, tôi cứ ngỡ đây chỉ đơn thuần là một tác phẩm trong sáng và dễ hiểu dành cho thiếu nhi. Nhưng không. Hiện tại, tôi lại cho rằng đối tượng độc giả mà cuốn sách ấy hướng tới, thực ra là những người trưởng thành - những con người đã từng là thiếu nhi.

“Totto-chan bên cửa sổ” là một tác phẩm hồi kí bình dị và nhân văn. Lấy bối cảnh ở Thủ đô của Nhật Bản, Tokyo, vào thời điểm Chiến tranh thế giới thứ II sắp kết thúc, cuốn sách kể về cuộc sống của một cô bé hiếu động và cá biệt, ấy chính là Totto-chan. Được chia ra thành nhiều chương chuyện ngắn khác nhau, đây là cuốn sách đã tô thêm nhiều sắc màu rực rỡ vào trong tâm trí của tôi ngay từ những năm tháng đầu đời.

Totto-chan tên thật là Kuroyanagi Tetsuko. Em là một cô bé sáu tuổi nghịch ngợm, hiếu động, hoạt bát và thường hay có những suy nghĩ, hành động bị cho là “khác người”. Chính vì vậy mà chỉ mới vào học lớp Một được vài ngày, em đã bị đuổi học. Mẹ đành phải đưa em vào học ở một ngôi trường mới vô cùng kì lạ, đó là trường Tomoe. Với lớp học là các toa xe điện cũ kỹ, phương pháp học tập cùng cách giảng dạy độc đáo, mọi thứ ở đây đều đem đến cho Totto-chan những cảm giác mới mẻ và hào hứng. Nhưng trên hết, em đã gặp được người có thể thấu hiểu và động viên bản thân mình, đó là thầy hiệu trưởng Kobayashi. Thầy đã ngồi nghe em kể chuyện trong suốt bốn tiếng đồng hồ mà không hề tỏ ra chán nản hay phiền lòng; thầy đã nói với em rằng “con gái thì phải được đối xử dịu dàng và nhẹ nhàng” ngay trong thời kì trọng nam khinh nữ ở Nhật Bản lúc bấy giờ.

Thầy đã khen rằng Totto-chan là một cô bé ngoan, cho dù em luôn bị các giáo viên cũ nhận xét là một đứa trẻ khó bảo, phiền phức. Thầy hiệu trưởng cho chúng ta thấy rằng, mọi đứa trẻ trên đời này đều có những điểm tốt riêng, những cá tính riêng. Chỉ khi đối xử với trẻ con một cách thông cảm và thấu hiểu, ta mới thấy được những thay đổi tích cực của đứa trẻ ấy và hiểu được ưu điểm, thế mạnh riêng của từng cá nhân. Vậy nên, không có đứa trẻ nào là hoàn toàn xấu, mà chỉ có những người lớn không biết tha thứ, giải thích, thấu hiểu và chỉ bảo tận tình mà thôi.

“Totto-chan bên cửa sổ” đối với tôi không chỉ đơn thuần là một cuốn sách hay, mà nó còn chân thực, sâu sắc, lắng đọng và bình dị. Những trang giấy mỏng manh là thế, nhưng lại chứa đựng cả một thời tuổi thơ của tôi ở bên trong, với những suy nghĩ ngây ngô và hồn nhiên đến kì lạ. Cũng như bao đứa trẻ khác, khi đọc tác phẩm này, tôi cũng đã từng mơ ước được trở thành Totto-chan và theo học ở ngôi trường Tomoe kì diệu với những thầy cô hiền từ, nhân hậu và những người bạn tuyệt vời đầy nhiệt huyết. Bây giờ thì tôi không còn mơ mộng như vậy nữa rồi, hay đúng hơn là tôi đã hiểu ra được thông điệp mà tác giả Tetsuko muốn truyền tải tới những độc giả của bà.

Mỗi chúng ta đều đã và đang là “Totto-chan”! Chúng ta nhiệt huyết, năng nổ và ngập tràn ước mơ nhưng đôi khi vẫn lạc lối, vẫn mệt mỏi và muốn bỏ cuộc. Tới khi ấy, hãy tự tìm lấy “thầy Kobayashi” cho riêng mình. Hãy tự tìm lấy chỗ dựa tinh thần vững chắc để bản thân được nghe những lời khích lệ, động viên và đứng lên sau mỗi lần vấp ngã. Thật ra, sau này chúng ta sẽ luôn gặp được những con người như vậy, sẵn sàng chỉ bảo và hướng dẫn tận tình cho ta. Vậy nên chỉ cần chìa tay ra, và lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được đáp lại.

Đọc xong “Totto-chan bên cửa sổ”, tôi vẫn luôn tự thấy bản thân mình thật đúng là vô cùng may mắn. Tôi là “Totto-chan”, một Totto-chan luôn có những người sẵn sàng chỉ đường, dẫn lỗi và động viên, khích lệ ở bên. Tôi có thầy cô, có bạn bè, có những năm tháng tươi đẹp ở mái trường Trưng Vương danh giá, có được những ký ức đáng quý vô ngần ở nơi đây. Vậy nên tôi vẫn luôn thầm cảm ơn tác giả Tetsuko, vì đã giúp tôi nhận ra giá trị của bản thân và của những người xung quanh - những con người vẫn luôn yêu quý và âm thầm giúp đỡ mình.

Hơn hết, “Totto-chan bên cửa sổ” sẽ luôn là một “báu vật” quý giá đối với tôi, vì cuốn sách đã giúp tôi học được cách trân trọng mọi thứ và gạt bỏ những rào cản và định kiến trong cuộc sống để tiến xa hơn về phía tương lai.

Học sinh Nguyễn Đan Thanh
Lớp: 8A - Trường: THCS Trưng Vương
Hoàn Kiếm, Hà Nội

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Mỗi chúng ta đều đã và đang là “Totto-chan” tại chuyên mục Sáng Tác của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Mùa hè rực rỡ

Mùa hè đang đến với nắng vàng rực rỡ! Mời bạn tới thăm miền quê trung du thanh bình qua ...

Bài Sáng Tác khác

Khu rừng và Quỷ lười

Bây giờ tôi sẽ kể các em nghe một câu chuyện rất xưa. Số là, cách đây đã lâu lắm rồi, bỗng dưng có một vị khách không mời ghé thăm khu rừng, ấy là Quỷ Lười.

Ký ức về những người thầy

Có lẽ hình bóng thầy cô in sâu đậm trong tâm trí em từ khi em được học dưới mái trường Tiểu học Thụy Phương. Ngôi trường Thụy Phương của em không hoành tráng nhưng rất khang trang, sạch đẹp và là một ngôi trường hạnh phúc, ấm áp tình yêu thương.

Những đôi tay chăm ươm ngọn gió lành

Đó là lời nhắn thật đáng yêu của các cây cọ nhí gửi đến chúng mình đấy! Khi đôi tay chúng mình biết chăm chỉ dọn dẹp nhà cửa, trường lớp và đường phố thì đi tới đâu cũng có những cơn gió mát lành nâng đỡ bước chân ta.