Món Gà "ăn mày" cực kì đặc biệt ở Trung Quốc, bạn đã biết cái tên bắt nguồn từ đâu chưa?

Lại Ninh
Đó là một câu chuyện thú vị về nguồn gốc của cái tên gà "ăn mày".

Từ lâu ẩm thực Trung Hoa đã rất nổi tiếng trên thế giới với đủ món ngon, vật lạ. Trong đó không thể không kể đến món gà "ăn mày". Không chỉ thu hút thực khách bởi hương vị mà món gà này còn khiến mọi người tò mò ngay từ cái tên. Vậy cái tên gà "ăn mày" bắt nguồn từ đâu nhỉ?

Món Gà
Món Gà "ăn mày" cực kì nổi tiếng ở Trung Quốc.

Nguồn gốc món gà "ăn mày"

Món gà "ăn mày" xuất hiện từ thời nhà Thanh ở Trung Quốc (1644 - 1911). Cái tên "ăn mày" bắt nguồn từ người tạo ra món ăn này. Chuyện kể lại rằng, có một gã ăn mày ở Hàng Châu, Giang Tô, Trung Quốc, trong một lần quá đói nên đã liều mình ăn cắp con gà của một nhà trong vùng. Tuy nhiên người chủ nhà đã phát hiện ra và đuổi theo gã ăn mày này. Gã ăn mày bị rượt đuổi quá nên chạy ra bờ sông. Không kịp suy nghĩ, gã ta bèn vùi con gà xuống lớp bùn cạnh mép nước rồi bỏ chạy nhanh để không bị tóm lại.

Tối hôm đó chắc rằng người chủ nhà không tìm bắt nữa nên gã ăn mày trở lại bờ sông, nhóm một đống lửa rồi lôi con gà lên. Vì quá đói nên cũng chẳng thèm rửa sạch bùn đất trên người con gà mà anh ta cứ thế cho vào đống lửa.

Món Gà
Vì quá đói nên cũng chẳng thèm rửa sạch bùn đất trên người con gà mà gã ăn mày cho luôn vào trong lửa.

Nhiệt độ nóng đã làm lớp bùn bên ngoài con gà khô cứng lại. Khi đập vỡ lớp bùn này ra thì lớp lông gà cũng rơi theo để lộ mảng thịt vàng ươm, thơm phức. Gã ăn mày này cũng không ngờ rằng con gà dính đầy bùn đất khi nướng lên lại có vị ngon xuất sắc thế này!

Món Gà
Khi đập lớp bùn khô, người ăn mày phát hiện thịt gà bên trong rất thơm ngon.

Sau đó, người ăn mày bắt đầu thực hiện việc kinh doanh gà. Anh ta bắt tay làm món gà nướng và bán cho người dân trong vùng. Tiếng lành đồn xa, món gà đến tai nhà vua, nhà vua cũng tìm đến tận nơi để thưởng thức món gà đặc biệt này.

Và đúng như lời đồn, sau khi ăn xong nhà vua ra ngay lệnh bổ sung món gà vào thực đơn cung đình cho tầng lớp quý tộc. Tuy thế, món ăn vẫn có cái tên dân gian quen thuộc là gà "ăn mày" vì nó do người ăn mày sáng tạo ra.

Gà "ăn mày" ngày một nổi tiếng

Ngày nay cái tên gà "ăn mày" gợi nhớ đến nguồn gốc của món ăn nhưng nhiều nhà hàng gọi nó với cái tên sang trọng hơn là gà đất nung. Công thức làm món gà này cũng ngày càng được biến tấu cầu kì hơn.

Món Gà
Món Gà "ăn mày" được các nhà hàng gọi là "gà đất nung".

Theo đó, sau khi làm gà sạch sẽ, loại bỏ nội tạng, đầu bếp sẽ ướp gia vị rồi nhét đủ thứ nguyên liệu vào bên trong như nấm, nhân sâm, hạt sen, hành lá, gừng, tiêu, thảo mộc. Sau đó đầu bếp sẽ gói con gà lại bằng lớp lá sen rồi đắp bùn đất lên. Gà sau khi nướng sẽ có mùi lá sen và các loại gia vị nên hương vị vô cùng thơm ngon, hấp dẫn.

Món Gà
Sau khi nướng cùng các loại gia vị, món gà này càng thơm ngon và hấp dẫn hơn.

Ở thời điểm hiện tại, gà "ăn mày" là món ăn nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc mà du khách nào khi đến cũng muốn nếm thử. Đặc biệt hơn cả, không chỉ các nhà hàng mà các quán ăn đường phố cũng bán món ăn đặc biệt này.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Món Gà "ăn mày" cực kì đặc biệt ở Trung Quốc, bạn đã biết cái tên bắt nguồn từ đâu chưa? tại chuyên mục Món ngon của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Món ngon khác

Độc đáo hương vị Tết cung đình

Tết này, chúng mình hãy cùng nhau đến thăm cố đô Huế - nơi còn lưu giữ dấu ấn của vương triều nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam - để khám phá các loại bánh, mứt Tết đã xuất hiện trong ẩm thực cung đình xưa kia nhé!

Hương vị Tết xưa: Chua ngọt vị mứt me

Ngày nay, các món bánh, mứt, kẹo ngày Tết vừa đẹp về hình thức vừa phong phú về hương vị. Nhưng có một số món kẹo, mứt dân dã từ xa xưa vẫn không thể thiếu khi Tết đến xuân về trong mỗi gia đình.

Dẻo thơm chè lam xứ Đoài

Dịp Tết, nếu về xứ Đoài (vùng đất phía Tây Hà Nội), bạn sẽ được thưởng thức món bánh chè lam mộc mạc, dung dị nhưng đầy đủ hương vị: Thơm dịu của bột nếp, ngọt ngào của mật mía, cay nồng của gừng và bùi ngậy của lạc...