Những đĩa cơm mẹ làm đẹp như tranh vẽ

Anh Minh
Những bữa ăn được trang trí hoàn toàn bằng cơm và rau củ quả cực bắt mắt đẹp như tranh vẽ.

Phụ huynh của ba bạn nhỏ 6 tuổi, 3 tuổi rưỡi và 2 tuổi cô Nguyễn Ngọc Huyền Trang hiện sống tại Jakarta, thủ đô Indonesia. Không chỉ chuẩn bị những bữa cơm đủ chất dinh dưỡng cho con, cô còn trình bày món ngon thật ngộ nghĩnh.

"Lý do tôi quyết định trang trí bữa ăn cho các con bắt mắt hơn là khi các con bước vào giai đoạn biếng ăn sinh lý ở trẻ, có hôm con chẳng đụng đến một hạt cơm, tôi xót ruột lắm. Lúc đầu làm vì muốn con ăn uống vui vẻ, riết thành thói quen và sở thích", cô Trang chia sẻ.

Đến 10 tháng tuổi, 3 bạn nhỏ đã có thể hoàn toàn ăn cơm. Những đĩa cơm đẹp như hoạt hình này là dành cho bạn 2 tuổi và 3 tuổi rưỡi. Mẹ dùng cơm tím để viết lại tên của hai thực khách nhí đáng yêu.

Mỗi bữa cơm cần 20-40 phút chuẩn bị, từ sơ chế đến trình bày. Mỗi tối, trước khi ngủ, cô đều dành 10 phút kiểm tra lại công việc ngày mai sẽ có những gì, sẽ có bao nhiêu thời gian nấu rồi lên thực đơn hợp lý.

Cô Trang chia sẻ: "Để trang trí những bữa ăn cho con sinh động không khó, chỉ cần mẹ sáng tạo một chút. Với những nguyên liệu có sẵn, khéo léo sắp xếp tí xíu là con có được bữa ăn thật vui”.
Bữa trưa cơm "Doremon", ăn kèm thịt heo viên áp chảo sốt cà và súp lơ xanh luộc vì sáng hai bạn nhỏ xem phim này và "đặt hàng" mẹ nấu.

Việc trang trí các đĩa ăn cho con được cô làm thủ công bằng tay, không dùng khuôn: "Tôi dùng màng bọc thực phẩm hoặc bao tay nilon nặn tạo hình cơm, các chi tiết nhỏ như mắt, mũi, miệng... thì cắt tỉa bằng tay".

Cô Trang kết hợp nấu nướng cho con trong khi nấu cơm cho người lớn. Màu sắc cơm cho các bạn nhỏ được tạo bằng nước rau củ quả tươi. Ví dụ, màu xanh lá từ cải bó xôi, hồng và đỏ từ củ dền, tím từ bắp cải tím, lá cẩm, cam từ cà rốt hoặc bí đỏ, vàng từ bột nghệ. Cô ép rau củ tươi lấy nước, đợi cơm cạn, lấy ra phần của con, trộn màu rồi bỏ vào nồi cơm nấu tiếp.

Nhờ những bức hình sinh động trên đĩa, các bạn nhỏ luôn chờ đợi những bữa ăn. Tới bữa, mẹ không cần phải nhắc nhở rửa tay nhiều lần như trước, các bạn tự lấy ghế và muỗng nĩa của mình, ngồi vào bàn ăn và hoàn thành bữa ăn chỉ trong vòng 15-30 phút.

Một hôm sắp đến giờ ăn tối, hai bạn nhỏ đòi ăn bánh quy và uống sữa. Mẹ Trang thuyết phục các con không ăn bánh, uống sữa mà chờ kẹo mẹ làm. Hai bạn vui lắm, vỗ tay nhảy múa đợi chờ và được mẹ cho 3 viên kẹo to, ăn kèm cá lóc đồng áp chảo sả nghệ, súp lơ luộc và canh bí đỏ.

Nhờ những cơm thú, cơm hoa, cơm bánh kẹo, cơm búp bê... các bạn nhỏ đều ăn được tất cả các loại rau và những món trước kia mình không thích.
Bữa trưa có chủ đề cơm chùm việt quất ăn kèm thịt heo bằm xào nấm, bí đỏ hầm xương, súp lơ xanh hấp và nước canh hầm.

 
 
Cô thường xuyên đổi món cho con, không cơm nữa mà chuyển sang bún, mì... Dù không có cơm, Mẹ Trang vẫn có thể trình bày bữa ăn theo chủ đề yêu thích của các bạn nhỏ.
Bữa trưa chủ đề "Mặt chú sư tử" gồm nui bơ tỏi, bánh mì nướng, tôm nướng bơ tỏi phô mai, bắp cải tím luộc sơ và cà chua baby nướng. 
Theo VnExpress

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Những đĩa cơm mẹ làm đẹp như tranh vẽ tại chuyên mục Món ngon của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Món ngon khác

Hương vị Tết xưa: Chua ngọt vị mứt me

Ngày nay, các món bánh, mứt, kẹo ngày Tết vừa đẹp về hình thức vừa phong phú về hương vị. Nhưng có một số món kẹo, mứt dân dã từ xa xưa vẫn không thể thiếu khi Tết đến xuân về trong mỗi gia đình.

Dẻo thơm chè lam xứ Đoài

Dịp Tết, nếu về xứ Đoài (vùng đất phía Tây Hà Nội), bạn sẽ được thưởng thức món bánh chè lam mộc mạc, dung dị nhưng đầy đủ hương vị: Thơm dịu của bột nếp, ngọt ngào của mật mía, cay nồng của gừng và bùi ngậy của lạc...

Tới Phú Thọ nhớ ăn bún cọ

Phú Thọ là vùng đất của “rừng cọ, đồi chè”. Đời sống của người dân nơi đây gắn bó với cây cọ bao đời nay. Lá cọ được dùng để lợp mái nhà, làm quạt, chổi, nón, mành; thân cọ làm ván sàn, cột nhà; còn quả cọ là nguyên liệu không thể thiếu của nhiều món ăn. Để tớ kể các bạn nghe...