Tất niên diệu kỳ!

Chu Hải
TNTP - Thật là một tất niên diệu kỳ vì tất cả chúng tôi cùng tham gia vào bữa tiệc, không có nhân vật chính, cũng chẳng có nhân vật phụ. Tất cả chúng tôi là một KHỐI BẠN BÈ.

Lớp trưởng đập cái “chát” một phát xuống bàn, dõng dạc:

- Trật tự… cả lớp trật tự nào! Tất niên năm nay nhất định phải khác với mọi năm.

Ồn ào… lại ồn ào… Ừ thì ai chả thích “khác”, nhưng làm cái gì cho nó “khác” lại là chuyện rất… “khác”.

- Hay là lớp chúng ta hãy tổ chức đóng kịch thi giữa các tổ nhé – lớp trưởng từ từ buông câu.

A ha… thế là mấy chúc con cá cắn câu một lượt.

- Nghe có vẻ cũng hay ra phết đấy! Độc, lạ và chưa từng có ở tất niên nào trước đây.

- Vậy thì quyết định như vậy nha – lớp trưởng nhanh chóng thu cần, rút cước kẻo sợ tụi “cá” chạy biến thì toi.

Chà… ý tưởng của lớp trưởng thật hay ho. Tôi vui vẻ mừng thầm. Mọi năm lúc nào chúng tôi cũng phải thi hát múa. Đã thế tôi còn là tổ trưởng nữa chứ, chỉ đạo cho cả tổ hát được một bài đúng là đến rát cả họng mất thôi.

Vậy nên xem ra năm nay mà như vậy nữa thì quả thật chán lắm rồi. Đóng kịch hay hay hơn hát nhiều lắm đấy nhé! Bằng chứng là cả tổ tụi tôi hôm nay khi nghe được tin đó thì đứa nào đứa nấy đều cũng rất chi là hào hứng. Và chúng tôi bắt đầu tập luyện...

Ba giờ chiều ngày chủ nhật tại nhà tôi.

- Này! Hay là chúng ta đóng vở kịch Tấm Cám thời nay nhé. Tớ đã lên kịch bản sẵn rồi – tôi đưa ra ý kiến.

- Đừng… đừng… kịch ấy chán lắm, quá xưa rồi, tổ trưởng ạ - thằng Hưng “bếu” bĩu môi nói xen vào. Sau đó cả nhóm lại cũng nhao nhao xô vào phản đối ý kiến của tôi.

- Vậy các cậu muốn đóng kịch gì đây? – Tôi bất lực nhìn lũ “quỷ”.

Vừa kịp dứt câu thì mỗi đứa đều đưa ra một ý kiến về vở kịch mà tụi nó thích. Nhưng kết quả thì tất cả lại phải quay lại vở kịch ban đầu mà tôi đã đưa ra. Vì sao ư? Vì những vở kịch tụi nó thích đều là những vở kịch mà chúng tôi khó có thể đóng được( tổ tôi có sáu người thôi mà).

Sau khi bàn tán về vụ chọn kịch xong xuôi tôi bắt đầu đưa kịch bản cho mỗi đứa rồi phân chia nhân vật.

- Các cậu muốn chọn nhân vật nào đây?

- Để tớ đóng hoàng tử cho! – Hải “róm” nhanh hảu.

- Còn tớ sẽ đóng Tấm, tớ ghét Cám lắm ý – nhỏ Hạnh “ bánh bèo” ỉ ôi.

- Thôi thôi! Mấy người xấu lạ như vậy mà đòi đóng hoàng tử với Tấm á!? Vai này chỉ hợp với người “đệp choai” như tớ mà thôôôiii… - Hưng “bếu” vừa dài giọng, vừa làm động tác vươn vai, ưỡn ngực khiến ai nấy đều cười như nắc nẻ.

Biết đã đến lúc tổ trưởng phải ra tay nên tôi “chốt” lại: - Vì ai cũng đẹp nguyên chất trăm phần trăm nên cần bốc thăm để cho công bằng.

Thật đúng là vụ bốc thăm lịch sử vì cuối cùng, Hải “róm” nhăn mặt chịu đóng vai thái giám, Hưng “bếu” đau khổ khi phải vào vai Tấm, Kiên đóng vai bụt, nhỏ Trang đóng vai Cám, nhỏ Hạnh đóng vai dì ghẻ còn vai hoàng tử lại chính là tôi! (Trời! Không thể tin được! Nhưng dù sao vai này cũng ít thoại, tôi chắt lưỡi chấp – nhận – số - phận).

Phân vai đã mệt, đến lúc luyện tập còn mệt hơn nhiều.

- Này! Các cậu tập lại đi! Tớ thấy trên ti vi người ta diễn cảm khuôn mặt không giống các cậu đâu!

- Ui! Bằng được như diễn viên thế thì khó lắm!

- Bếu kia! Tấm gì mà đanh đá, cong cớn thế không biết hử!

- Gớm! Quan thái giám mà đi lại nghênh ngang cứ như là hoàng đế đang ra vẻ thị uy với đám quần thần ấy…

Tranh luận, cãi vã… cứ gọi là loạn như nhiễu sóng. Tôi đành ra tay can gián:

- Thôi! Các cậu cứ diễn đi để tớ làm đạo diễn cho! Tớ sẽ quan sát xem các cậu tập rồi cho nhận xét. Vai diễn của tớ là ngắn nhất mà!– Tôi nói.

- Ừ vậy cũng được! – Tất cả cùng đồng thanh.

Dưới sự chỉ đạo diễn xuất “tài tình” của tôi quả thật cả nhóm diễn hay hơn hẳn. Đúng là đóng kịch không thể nào thiếu đạo diễn (cái điều cực đơn giản thế mà giờ này tôi mới… thông minh đột xuất nghĩ ra. Kể cũng lạ).

Ngày hôm sau đến lớp, mới đi đến cửa tôi đã nghe thấy lũ bạn bàn tán xôn xao về vở kịch mà các tổ đang đóng. Các bạn ở trong tổ nào thì xúm xụm lại một nhóm của tổ ấy rồi to to nhỏ nhỏ, thì thà thì thầm nói chuyện với nhau.

- Này, cậu đã biết các tổ khác đóng kịch gì chưa? – nhỏ Trang vỗ vai tôi, đẩy tôi ngồi phịch xuống bàn.

- Tụi nó đóng kịch gì vậy? – tôi quay ngoắt lại thắc mắc.

- Bà nói nhỏ tiếng thôi! Đúng là rõ chán với bà mà!

- Nãy giờ tôi ra các tổ khác “ thám thính” mà cũng chưa thu thập được thêm thông tin gì sất! – Kiên thở dài, đứa nào đứa nấy cứ như là dùng băng dính dán miệng.

- Ầy da… kệ đi! Miễn tổ mình đóng hay là được rồi – tôi nói với vẻ buông xuôi.

Đó thực ra chỉ là tôi giả vờ “bình tĩnh” vậy thôi, chứ trong lòng cũng lo lắm. Biết đâu, tổ khác diễn “độc” hơn mình, biết đâu “đạo diễn” bên ấy chuyên nghiệp hơn, biết đâu…

Tùng... Tùng... Tùng...

Cô giáo bước vào lớp sinh hoạt đầu giờ.

- Các em tất niên năm nay định tổ chức hoạt động gì nào?

- Thi đóng kịch giữa các tổ ạ! – Cả lớp đồng thanh

- Chà chà… rất sáng tạo! Thế các em đã tập được gì chưa? Các em chọn vở kịch nào?

- Bí mật… cô ơi!

Cô cười tủm tỉm. Cả lớp cùng cười theo cô. Có lẽ trong đầu mỗi đứa đều đang mong sao thời gian hãy trôi thật nhanh để đến ngày đó – ngày tất niên thần thánh.

Những ngày tiếp theo chúng tôi tập kịch ở nhà nhỏ Trang. Nhà nhỏ vốn yên tĩnh là vậy mà mấy ngày hôm nay náo nhiệt hơn hẳn. Ai đi qua nhà nhỏ lại có khi còn tưởng là có Tấm, Cám thật trong nhà nhỏ ấy chứ!

- Này! Hay là chúng ta đi xem các tổ khác tập kịch gì đi! – Hải “bếu” đề xuất.

Như vậy có phải là gian lận không? – tôi băn khoăn.

- Gian lận cái gì? Chúng mình chỉ núp ngoài cửa xem thôi! À mà này, tui nghe đâu hình như tổ một đóng kịch ở nhà nhỏ Lan, còn tổ hai đóng ở nhà thằng Duy đấy – nhỏ “bánh bèo” tiết lộ.

- Ờ hay là đến xem đi! Cũng có ai biết đâu! Bọn mình đến cũng có thể xem được kĩ năng diễn xuất của các tổ khác mà – Hải “bếu” nói hệt như một “nhà lãnh đạo trẻ tương lai”.

Mặc dù vẫn còn khá nhiều lăn tăn về quyết định của mình, chúng tôi vẫn theo sự chỉ đường của thằng Hải kéo nhau đạp xe tới nhà Duy.

Vừa đến đầu ngõ nhà nó thì chúng tôi đã bắt gặp hội tổ một đang núp sau thân cây hoa sữa ở gần đó.

- Này đang làm gì vậy? – nhỏ Hạnh tiến đến vỗ vai nhỏ Lan.

Nhỏ Lan giật thót mình quay lại.

- Hú hồn à! Nói nhỏ nhỏ xíu đi! Chúng tớ đang xem tổ hai tập!

- Ừ các cậu cũng tránh tránh ra một tí để chúng tớ xem với! – Kiên xen vào.

Thế là cả bọn đứng nín thở, nghiêm như chào cờ căng mắt theo dõi tổ hai tập. Nhưng đến đoạn thằng Duy giả làm con gái đi ra thì chúng tôi không thể nhịn cười thêm được nữa. Hí… há… há… há… hớ… hớ…

- Này, mấy người rảnh việc làm cái quái gì thế hả? – Thằng Duy chạy ào ra, quát giật giọng.

- Xin lỗi! Chúng tôi chỉ đi ngang qua thôi! – Nhỏ Lan nhanh nhảu đáp.

- Sao có thể trùng hợp thế được? Các cậu đã thấy những gì rồi?

- Đâu, có thấy gì đâu! – Cả lũ chối bay chối biến.

Thằng Duy đỏ mặt rồi tức giận vì nó biết chắc là chúng tôi nói dối, nó cũng có thể đoán ra được lý do của những tiếng cười vô duyên vang lên bất ngờ…

Chẳng ai nói với ai câu nào, mặt đứa nào cũng rầu rĩ. Rõ ràng tất cả đều cảm thấy ân hận, biết mình đã chơi không đẹp trong vụ này. Haizzz… chắc chắn là tôi đã nợ Duy và cả tổ hai một lời xin – lỗi – thật – lòng.

***

Tất niên.

Vẫn là tất niên như mọi năm nhưng hôm nay, lớp học được trang hoàng khác hẳn, như một sân khấu nhỏ. Tuyệt vời. Ai cũng thấy phấn khích.

Tôi bỗng nhận ra, không khí ganh đua, muốn kịch của tổ mình hay hơn tổ khác đã bay biến đâu mất, dường như chỉ còn lại những diễn viên đang sẵn sàng cống hiến hết mình vì nghệ thuật, vì người xem…

Mở đầu là vở kịch của tổ một với câu chuyện “Công chúa Lọ Lem”.

Nội dung hay, các diễn viên đóng khá đạt. Rất nhiều tiếng vỗ tay dành cho tổ một.

Phần thi tiếp theo là phần thi của tổ hai với vở kịch “Cô bé quàng khăn đỏ”.

Trời! Thật không nhờ là cái cậu chàng Duy “khủng long” to lớn, kềnh càng, chuyên “ăn to, nói lớn” mà giờ vào vai “cô bé quàng khăn đỏ” ngọt đến vậy.

Nhìn “khủng long” nhảy chân sáo trên đường đến nhà bà ngoại, nghe “khủng long” ngây thơ hỏi con sói “bà ơi, sao tay bà to thế…” mà chúng tôi bị hút hồn cả lượt. Duy đúng là một diễn viên tài năng.

Chờ đợi mãi, cuối cùng cũng tới vở kịch “Tấm, Cám” của chúng tôi.

Chưa bao giờ, chúng tôi thấy tổ mình là MỘT ĐỘI đoàn kết, gắn bó đến như vậy. Đón nhận những tràng pháo tay cổ vũ, khen ngợi của các thầy, cô giáo, chúng tôi đỏ mặt vì vui, vì hạnh phúc.

Giải Tập thể được trao cho tất cả các tổ. Riêng giải “Diễn viên xuất sắc nhất” thuộc về Duy “khủng long”. Giải thưởng thật công bằng và xứng đáng. Chúng tôi nắm tay nhau, chạy vòng quanh Duy. Anh chàng “khủng long” lóng ngóng, ngượng ngùng cứ hết gãi tai lại… gãi tóc.

- Tớ… thay mặt cả tổ… xin lỗi cậu về tội… xem lén… - tôi ấp úng nói với Duy.

- Chuyện nhỏ, bỏ qua đi. Năm mới nói chuyện mới. Cảm ơn các bạn đã cổ vũ, động viên tớ- Duy “khủng long” cười ngoác đến tận mang tai.

Thật là một tất niên diệu kỳ vì tất cả chúng tôi cùng tham gia vào bữa tiệc, không có nhân vật chính, cũng chẳng có nhân vật phụ. Tất cả chúng tôi là một KHỐI BẠN BÈ.

Lê Phương Hoa

(Lớp 8A, THCS Thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Tất niên diệu kỳ! tại chuyên mục Sáng Tác của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Nhảy lên và hét

Tác phẩm văn học thiếu nhi “Nhảy lên và hét” là hồi tưởng sống động của cầu thủ nổi ...

Bài Sáng Tác khác

Đại náo nhà ông ngoại - Kỳ nghỉ hè đáng nhớ

Cuốn truyện thiếu nhi mới “Đại náo nhà ông ngoại” của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy dẫn dắt độc giả nhí vào một kỳ nghỉ hè đầy sự kiện nghịch ngợm đáng nhớ, nhưng cũng có những bài học cuộc sống trầm lặng đầu đời của 4 đứa trẻ.

Đi tìm những hạt giống kỳ diệu

Tooka và Poi rất thích sưu tầm các viên sỏi mịn màng ven bờ suối, những hạt giống và đôi khi là cả những chiếc lá dương xỉ với hàng răng cưa ngoằn ngoèo.

Cọ xinh: Ước mơ mùa hạ

Mùa hè rực nắng đến rồi! Bạn thấy không, khi Trái đất yên bình thì những ước mơ tuổi thơ luôn được cất cánh! Mời các bạn cùng đến với những bức tranh vẽ về ước mơ mùa hạ rất xinh yêu dưới đây nhé!

Chuyện nàng Lòa

Xưa kia, ở một bản người Mèo có một nhà khá giả, nhà ấy sinh được hai anh em. Người anh trai trắng đẹp, khỏe mạnh, còn cô em gái thì đen xấu, gầy còm. Nàng lại không may bị lòa từ thuở lọt lòng. Cả nhà ai cũng rất yêu thương nàng, nhất là người anh.

Bay lên diều giấy

Mùa Hè lại về. Bầu trời phía trên cánh đồng đã gặt tràn ngập sắc màu của những cánh diều lộng lẫy.