Ngày đầu, bà ngoại đưa nó sang, giới thiệu với làng xóm, có lẽ đấy là lần hiếm hoi tôi nghe thấy tên thật của nó. Nó tên Long. Nhưng rồi sau, cái tên ấy như chưa từng xuất hiện, ai hỏi nó cũng chỉ cười để lộ hàm răng trắng bóc đều như bắp mà đáp lại:
- Mèn! Tao tên Mèn.
Cái tên ngộ ngộ, nghe như thể nó là con Dế Mèn với đôi càng mẫm bóng, nhưng không có đôi cánh để bay. Mỗi lần bị trêu là con nuôi vì chẳng bao giờ thấy bố mẹ về thăm, mặt nó đỏ, quai hàm bạnh ra, môi mím chặt như phải nén điều gì khủng khiếp lắm.
Hôm Mèn sang nhà ngoại tôi, cái mặt nó lì lì liếc tôi rồi chào một câu cụt lủn:
- Dạ, chào ông bà!
Chào xong nó về ngay tắp lự. Tôi đoán chừng bà nó bắt sang chào hỏi ngoại và làm quen với tôi. “Hừm! Tôi cũng cóc thèm chơi với cái mặt khó ưa của nó!”.
Ngày hè trôi qua, cánh đồng nắng chói chang dần trơ ra những gốc rạ lởm chởm hệt như những mũi chông nhỏ xíu đâm thẳng lên trời. Thế mà chúng tôi vẫn háo hức đuổi theo con diều, chân đầy vết xước, cho đến cuối ngày khi người lớn nhéo tai từng đứa về nhà. Mèn không chơi với tụi trẻ con trong làng. Nó lầm lì một góc, thỉnh thoảng mới cắp cái ghế con, đeo mũ rộng vành rồi theo bà ra chợ. Bà Ba bán xôi xéo ngon nhất vùng này…
***
Chiều tối, ngồi trước hiên nhà, ông tôi pha sẵn một ấm chè tươi. Màu nước xanh trong veo thấy cả một bầu trời đầy sao và trăng nơi đáy chén. Hôm nay trăng tròn quá! Ngoài sân cứ sáng trưng như là thắp đèn điện. Bà ngoại một chân để trên chiếu, một chân thả xuống thềm hiên, một tay phe phẩy quạt nan, một tay đón lấy chén nước chè tươi. Bà nhấp một ngụm rồi hỏi:
- Sao cháu không sang chơi với Mèn?
- Cháu không thích nó. Nó là dân thành phố. Nó chảnh! - Tôi nhấm nhẳng.
Ngoại tôi thở dài: “Nhà thằng Mèn ở thành phố nhưng cha mẹ đi làm xa biền biệt. Một mình nó lớn lên trong bốn bức tường vây kín và bà giúp việc. Mỗi ngày, bạn của nó là vô tuyến, là game, là những thứ cô đơn đáng sợ thôi cháu ạ!”.
Thế thì quả đáng sợ thật! Tôi băn khoăn liệu cô đơn có giống những ngày ngoại bận việc làng bên chưa về kịp, đèn điện tắt mà trời lại không có trăng, một mình tôi ở nhà tưởng tượng ra cả tỉ thứ đáng sợ không nhỉ? Nhất là ông Hộ mặt sẹo ở cuối làng sẽ đến và bắt tôi đi mất nếu ngoại tôi không về kịp? Tự nhiên tôi thấy thương thương Mèn! Ngoại lại thủ thỉ tiếp: “Ba mẹ nó đụng xe qua đời. Thằng nhỏ còn mỗi bà ngoại. Bà Ba nhờ người đón nó về quê …”
Tôi không nói gì thêm nữa. Trong đầu cứ mải suy nghĩ: “Thằng Mèn thật đáng thương!”
Lâu thật lâu, ông ngoại đứng dậy xách theo bộ ấm chén vào nhà. Bà tôi cuộn chiếu cắp bên hông rồi kêu tôi vào ngủ. Bên sân, thằng Mèn tựa lưng vào cái cột trước nhà. Bà Ba mấy hôm nay bị ốm. Thằng Mèn không nhìn trăng. Ánh nhìn nó xa ơi là xa, chắc là tới tận nhà nó trên thành phố, nơi từng có bố mẹ, có những bữa cơm gia đình đầm ấm. Ngoại tôi bảo, trẻ con không được thở dài, nhưng bây giờ tôi muốn được thở dài quá! Tôi nghĩ Mèn cũng đang thở dài…
Sáng hôm sau. Bà Ba đã cắp thúng xôi ra chợ. Mèn luẩn quẩn một hồi rồi lại đội cái nón rộng vành nhàn nhạt màu xanh đi ra cổng. Chắc nó lo bà Ba còn đang mệt. Tôi lén lén theo sau nó, chẳng biết phải làm sao.
Đi qua gốc nhãn cổ thụ rợp bóng giữa làng, tôi thấy Mèn dừng lại. Đám cái Ninh, thằng Linh, thằng Phương, thằng Hùng túa ra từ sau gốc cây chạy tới vây quanh thằng Mèn. Thằng Hùng đầu trọc lóc, cái tướng nó như hai ông hộ pháp ở đình làng. Chắc hồi sáng nó mới chạy băng qua cánh đồng vì chân nó vẫn lấm lem bùn đất. Nó đẩy thằng Mèn ngã dúi rồi bảo:
- Cái thứ thành phố không được chào đón ở đây!
Thằng Mèn lì lợm đứng yên, mặt đỏ lựng, hai tay nắm chặt. Nó không thèm kêu một tiếng.
- Đồ không cha, không mẹ…
Thằng Mèn ngã cái huỵch xuống đất, nhưng lần này nó bật dậy ngay. Nó đấm thằng Hùng một cú nổ đom đóm mắt, rồi quay sang gườm mấy đứa còn lại. Người lớn chẳng có ở đây, nếu tôi có chạy ba chân bốn cẳng về gọi thì Mèn vẫn sẽ nhừ tử mất. Thằng Hùng hạ nắm đấm một cách mau lẹ. Tôi ước mình có sức mạnh hay phép màu lúc này để lao ra cứu Mèn. Thế rồi tôi lao ra nhưng chẳng có sức mạnh, cũng không có phép màu nào hết.
Một ý nghĩ thoáng chạy qua: “Tôi chẳng còn thích nghe những câu chuyện phép màu trên đời này nữa. Có phép màu bố mẹ Mèn đã không chết. Mỗi ngày, ba mẹ nó đi làm về sẽ ôm nó trong vòng tay như ngoại tôi vẫn ôm tôi mỗi tối đi ngủ… Đến lúc tôi ngã xuống, thằng Hùng mới hoảng hồn. Nó nhìn tôi luống cuống:
- Mày điên à?!
Tôi đưa mắt lên thách thức. Trong thâm tâm, tôi nghĩ lần này chắc mình nhừ đòn. Thằng Hùng vốn nổi tiếng hung hãn trong làng. Nhưng nó nhìn một lượt từ tôi sang đôi mắt đang ngầu của Mèn rồi ra hiệu cho bọn lâu la rút lui. Tôi thở phào, đến lúc này mới thấy một bên má đau râm ran…
Mèn đứng dậy bỏ đi. Tôi cũng chạy theo. Nó chạy tận tít đầu bờ đê rồi ra sức hét rõ to. Tôi cũng hét theo. Mèn quay sang nhìn tôi. Nó nằm lăn ra cỏ, mắt nhắm nghiền. Tôi ngồi xuống bên cạnh. Người Mèn lấm lem, hai má nó một bên sưng đỏ. Nó quay sang nhìn tôi không nói gì, nhưng mắt đã dịu lại. Lúc nãy, ánh nhìn của Mèn làm tôi sợ hơn cả lúc chuẩn bị tinh thần ăn đòn nhừ tử từ bọn thằng Hùng.
Tự nhiên tôi thấy khóe mắt nó ướt. Gặp ánh mắt của tôi, nó đưa cánh tay đầy vết xước lên lau sạch. Nó là con trai, tôi thấy thằng Hùng hay bảo, con trai thì không được khóc. Ừ, chẳng lẽ, ngày ba mẹ mất, hay ngày nó phải xa ngôi nhà nó lớn lên, xa ngôi trường đang học, xa thành phố đang sống… nó cũng không được khóc ư? Vậy thì đau lòng chết mất!
Nhưng mà ở đây còn có ngoại thương nó. Ngoại tôi thương nó. Và cả tôi, giờ tôi cũng thương nó biết bao. Tôi sẽ là bạn Mèn, bảo vệ nó khỏi bọn thằng Hùng, bảo nó là hãy khóc mỗi khi có chuyện buồn, sau đó tôi lại chạy theo nó ra đây, hét thật lớn để bao nhiêu nỗi buồn mà giả như Mèn không thể khóc sẽ bay tít lên trời cao. Ba mẹ nó ở trên trời sẽ phù hộ cho nó. Ngoại tôi bảo, những người thương yêu ta, khi mất đi sẽ thành những ngôi sao. Ba mẹ tôi cũng ở trên bầu trời xinh đẹp lấp lánh ấy…
Nằm ở bãi cỏ xanh rì bên bờ đê đến chiều, nó cũng không nói với tôi một câu. Đến tận khi người ta ra dắt trâu về ở phía xa xa, nó mới nhổm dậy, bảo tôi đi về không ngoại lo.
Mèn đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau. Cái bóng lưng Mèn nhỏ bé nhưng dáng đi cứng cỏi. Tự nhiên nó đi chậm lại, song song với tôi rồi nói bâng quơ: “Đêm nay, trăng sáng nhỉ?”. Hình như khoảnh khắc ấy tôi thấy Mèn cười!
Tôi với Mèn cùng rảo bước hơn. Bụng tôi đang sôi lên và trong đầu thắc thỏm: “Chả biết ở nhà bà có nấu món cá om dưa hay canh chua không nhỉ?”…
Về đến ngõ, Mèn dừng lại thoáng chốc rồi ngước mắt lên những chùm sao lấp lánh. Nhìn Mèn tôi bỗng thấy dường như bao nhiêu nỗi buồn ngày hôm nay đều theo ánh trăng tan biến. Có phải tại bầu trời hôm nay đẹp quá không?!
Thảo Anh