Văn Học Thiếu Nhi – Giấc mơ tròn 50 năm sau Ngày thống nhất

Bảo Lâm
Với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của văn học thiếu nhi trong một chặng đường mới với tâm thế và tầm vóc mới, Hội đồng Văn học Thiếu nhi – Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng triển khai kế hoạch xuất bản định kỳ các ấn phẩm chuyên đề về văn học thiếu nhi.

Thật vinh dự khi “Văn Học Thiếu Nhi Số 1” được ra mắt đúng dịp cả nước kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) – một dấu mốc lịch sử thiêng liêng!

Văn Học Thiếu Nhi – Tấm gương phản chiếu đa sắc màu

“Văn Học Thiếu Nhi Số 1” tạm coi là sự mở đường với một Hội đồng Biên soạn uy tín và trách nhiệm gồm: Nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Thái Chí Thanh, nhà văn Nguyễn Phan Khuê, nhà thơ Bảo Ngọc, nhà văn Lê Phương Liên, nhà thơ Lê Va, nhà thơ Nguyễn Văn Thắng, nhà văn Võ Thu Hương, Nhà thơ - Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ, nhà văn Trần Thu Hằng, nhà báo Lê Hồng Mai, nhà giáo Lê Thị Hồng Đăng…

Những tác phẩm được tuyển chọn in trong “Văn Học Thiếu Nhi Số 1” bên cạnh những tác phẩm là truyện ngắn, thơ, văn học dịch của các tác giả có tầm vóc lớn như: Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn Nguyễn Phan Hách, nhà văn Kim Hài, nhà thơ Nguyễn Bình Phương, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh… còn có một mảng tác phẩm rất phong phú đến từ nhà trường với sự xuất hiện của các thầy cô giáo và các bạn học sinh. Hội đồng biên soạn đã vô cùng ngạc nhiên trước sức sáng tạo mới mẻ, đầy bất ngờ, có chiều sâu ở cả truyện và thơ cũng như mảng văn học dịch hay phê bình từ đội ngũ sáng tác hùng hậu là các cô giáo, các cây bút ở lứa tuổi hồng.

Tìm đọc “Văn Học Thiếu Nhi Số 1” bạn sẽ thấy ở đây nhiều trải nghiệm và góc nhìn mới về một thế hệ mới giàu năng lượng sáng tạo– những người thực sự yêu văn học, dành sự quan tâm đặc biệt đến văn học thiếu nhi. Và còn một điều đặc biệt quan trọng, đó là các thầy cô giáo có thể tìm thấy ở “Văn Học Thiếu Nhi Số 1” một kho ngữ liệu cực kỳ dồi dào. Ngữ liệu ấy không chỉ nằm ở các tác phẩm văn học mà còn nằm ở những chia sẻ về phương pháp giảng dạy học văn sáng tạo, cách hướng dẫn học trò sáng tác một tác phẩm là thơ hoặc truyện ngắn theo chủ đề, hoặc các tình huống giáo dục trong nhà trường…

Còn một điều không thể không nhắc tới, ấy là sự cống hiến của các họa sĩ tài hoa: họa sĩ Lê Thiết Cương, họa sĩ Trần Thắng, họa sĩ Lê Anh Dũng cùng nhiều cây cọ nhí đã tạo cho Văn Học Thiếu Nhi Số 1 một chiếc áo đặc biệt được dệt nên từ muôn vàn bức tranh thật sinh động, đáng yêu!

Những ghi nhận ban đầu đầy khích lệ

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều -  Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ngay khi đón nhận cuốn “Văn Học Thiếu Nhi Số 1” đã hào hứng chia sẻ: “Sáng nay mở cửa vào phòng làm việc thấy Văn Học Thiếu Nhi Số 1” trên bàn. Một cảm xúc lạ lùng tràn ngập căn phòng vốn như đã mất hết cảm xúc lâu nay. Ngày mai là tròn 50 năm kết thúc chiến tranh. Trong suốt 50 năm qua, lần đầu tiên tôi thấy một tạp chí (tôi có thể gọi vậy) cho văn học thiếu nhi. Như thế đã quá đủ lý do để nâng cốc với bất cứ ai.”

Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Người trực tiếp chỉ đạo nội dung trong Hội đồng Biên soạn cũng đã nói về ấn phẩm này với cả niềm tin và nhiều hy vọng: “Đây sẽ là bức tranh toàn cảnh về văn học Thiếu nhi Việt Nam. Tạp chí có nhiều chuyên mục, nhiều tác phẩm thú vị, hấp dẫn, sâu sắc ở đủ các thể loại với nhiều góc nhìn khác nhau, giọng điệu khác nhau, đưa các em và các thầy cô giáo, những người quan tâm đến văn học thiếu nhi tiếp cận gần hơn với thế giới muôn màu của một đời sống văn học luôn đổi mới và phát triển. Rồi các em và các thầy cô giáo sẽ gặp ở đây những nhà thơ nhà văn mà các em yêu thích. Và rồi cũng ở đây, sẽ xuất hiện những bài viết, những tác phẩm của chính thầy cô các em, thậm chí của chính các em với cái nhìn trong veo ở lứa tuổi Thần tiên về thế giới Thần tiên.”

Chia sẻ cảm nhận và và vui chung niềm vui của Hội đồng Văn học Thiếu nhi, nhà văn Lê Phương Liên khẳng định: “Đây là một Ấn phẩm có nội dung phong phú: vừa có sáng tác của các nhà văn viết cho thiếu nhi quen biết, vừa có các sáng tác của các cây bút đang sung sức và các em thiếu nhi khắp mọi miền đất nước. Ngoài sáng tác thơ, truyện còn có các bài lý luận phê bình về văn học thiếu nhi. Bên cạnh văn học, có những bài về hội họa trẻ em, âm nhạc trẻ em, tranh minh họa của các họa sĩ nổi tiếng và của các em thiếu nhi.”

“Bà đỡ” mát tay – hay giấc mơ đến từ “vị thần may mắn”?

Hơn 70 năm qua, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng từng là nơi đỡ đầu, là “ngôi nhà cất giữ cả kho tàng ký ức vô giá” cho rất nhiều nhà thơ, nhà văn. Nhiều tác giả nhí có tác phẩm đầu tiên in trên Báo Đội sau này đã trở thành các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, trong đó đặc biệt là nhà thơ Thần đồng Trần Đăng Khoa. Báo Đội bởi vậy suốt hành trình trưởng thành của mình đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết của tuổi thơ, của những mầm non văn học cần được tưới tắm vun trồng. Từ ý nghĩa ấy, “Văn Học Thiếu Nhi” ra đời sẽ tiếp tục trở thành cầu nối, - người đỡ đầu mát tay - ngôi nhà cất giữ những ký ức lấp lánh, những tác phẩm cần được nâng niu, chăm chút của những cây bút nhỏ và của cả những người dành tình yêu, tâm huyết cho Văn học Thiếu nhi.

Tuy nhiên, đúng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Văn Học Thiếu Nhi là một giấc mơ bền bỉ của các thành viên Hội đồng Văn học Thiếu nhi của Hội nhà văn, đặc biệt là nhà văn Thái Chí Thanh và nhà thơ Bảo Ngọc. Nhưng nếu không có Báo thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, mà người đứng đầu là nhà văn Nguyễn Phan Khuê cùng Ban Biên tập ủng hộ thì giấc mơ ấy sẽ là một đám mây bay trên đầu chúng ta về phía chân trời và biến mất”.

Bạn có thể gọi Văn Học Thiếu Nhi là Tạp chí, gọi là sách chuyên đề, hay theo cách riêng của mỗi người thì điều tuyệt vời nhất Văn Học Thiếu Nhi sẽ luôn là người bạn hữu ích của các thầy cô dạy văn, của học trò học văn, của những người đồng hành với văn chương và trẻ nhỏ.

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

  • Tags
Bạn đang đọc bài viết Văn Học Thiếu Nhi – Giấc mơ tròn 50 năm sau Ngày thống nhất tại chuyên mục Sáng Tác của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Người truyền lửa

Lúc nhỏ, tôi chưa từng nghĩ bản thân có thể viết những lời văn vẻ về thầy cô. Ấy vậy ...

Bài Sáng Tác khác

Hoa hậu của mùa Xuân

Từng đám mây nặng trĩu sà thấp mang theo cơn gió lạnh lẽo tràn vào khu vườn rồi thả xuống cơn mưa ẩm ướt.

Tạm biệt Út Rô

Út Rô là tên của chú cá rô nhỏ trong hồ cá nhà tôi. Ai đến nhà tôi cũng ngạc nhiên vì Út Rô sống cùng 3 chú cá Tai Tượng to gấp chục lần cậu. Đó vẫn chưa là điều đặc biệt nhất của Út Rô đâu. Cậu ấy có một “xuất thân” lạ kì mà mỗi lần kể ra ai cũng trầm trồ.

Quà tặng của thần tượng

Trong căn bếp nhỏ, chị Ayesha Khurram đứng thẫn thờ và dường như quên bẵng đi mẻ bánh đã được nướng chín, cần lấy ra khỏi lò nướng.