Đặc sản nấm mối: Món quà của thiên nhiên chỉ có vào mùa mưa

Phan Thu Trang
Nấm mối là món quà được thiên nhiên ban tặng cho các tỉnh miền Tây mỗi năm chỉ duy nhất một lần vào mùa mưa. Khách du lịch đến các tỉnh miền Tây có thể thử cháo nấm, nấm mối kho, om tương, xào lá cách…cực kỳ thơm ngon.

Thiên nhiên đã tặng cho người dân miền Tây loại đặc sản không thể trồng mà chỉ có thể tìm thấy trong tự nhiên. Nấm mối thường chỉ rộ vào khoảng 2-3 tháng trong năm, vào đầu mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch.

Nấm mối chỉ nhú vào tầm 3-4 giờ sáng và thường được thu hoạch vào đầu ngày khi mặt trời chưa lên. Đến trưa, nếu không hái kịp loại búp dù thì nấm sẽ tàn, con mối bò lên ăn đục thân. Vì khó tìm và khó hái nên giá nấm thường rất cao. Loại nấm này rất dễ giập, không dễ vận chuyển nên thường ít phân phối đi xa hoặc chỉ có thể mang đi sau khi đã sơ chế.

Vào đầu mùa, giá mua tại vườn trung bình 200.000-300.000 đồng một ký, dao động đến 500.000 đồng một ký giữa mùa. Khi xuất lên thành phố hoặc mang ra nước ngoài, giá nấm được đẩy lên cao nhất có khi đến một triệu đồng mỗi ký. Dù giá cao, chỉ rộ có một mùa nhưng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nấm mối vẫn được mệnh danh là “vua nấm”.

Nấm mối sinh sôi ở các gò đất cao, đất thịt nơi có ổ mối trú ngụ và sinh sôi nhiều dưới gốc cây, tán lá ẩm thấp. Nấm mối thường được tìm thấy nhiều nhất ở huyện Giồng Trôm, Chợ Lách, Bến Tre, các tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, và một số tỉnh miền Đông như Bình Phước, Đồng Nai.

Vào đầu mùa, khách du lịch đến các tỉnh miền Tây sẽ dễ dàng tìm thấy trong thực đơn các món mới chế biến từ nấm mối. Nấm mối xào muối ớt là món phổ biến nhất vì cách chế biến này giữ nguyên vị ngọt của nấm.

Nấm ngon có thể biến tấu thành hàng chục món khác nhau, ví dụ như cháo nấu nấm mối, nấm xào tỏi ăn với cơm theo khẩu vị của người Nam Bộ. Nấm mối sơ chế bằng cách xào sơ qua với gia vị, bắc xuống để nguội rồi bỏ tủ đông có thể dùng được vài tháng. Cháo gà, cháo vịt hoặc cháo hành không, bỏ chút nấm mối đã xào vào, vị nấm dậy lên át hết tất cả vị khác của món ăn.

Ngoài nấu cháo, nấm mối còn được dùng xào lá cách, nấm mối kho, om tương, nấu bánh canh, hoặc kho với nước cốt dừa. Nguyên liệu nấm khi cho thêm vào các món khác vẫn giữ được mùi đặc trưng, dai sần sật và vị ngọt thanh.

Ngoài vị ngọt đặc trưng tăng thêm sự phong phú cho các món ăn, nấm mối còn là bài thuốc có công dụng lợi sữa, giúp ăn uống dễ tiêu, ngừa các bệnh về thận và giảm cholesterol...

Một trong những địa phương được thiên nhiên ưu đãi có lượng nấm mối nhiều nhất là Bến Tre. Tại tỉnh này, vào mùa nấm mối, khách du lịch có thể tìm thấy ở hầu hết chợ lớn nhỏ. Nấm mối cũng được chế biến ở các quán ăn, nhà hàng hay hàng quán lề đường có món bánh xèo đổ nấm mối nổi tiếng.

Theo Vnexpress

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Đặc sản nấm mối: Món quà của thiên nhiên chỉ có vào mùa mưa tại chuyên mục Món ngon của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Món ngon khác

Độc đáo hương vị Tết cung đình

Tết này, chúng mình hãy cùng nhau đến thăm cố đô Huế - nơi còn lưu giữ dấu ấn của vương triều nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam - để khám phá các loại bánh, mứt Tết đã xuất hiện trong ẩm thực cung đình xưa kia nhé!

Hương vị Tết xưa: Chua ngọt vị mứt me

Ngày nay, các món bánh, mứt, kẹo ngày Tết vừa đẹp về hình thức vừa phong phú về hương vị. Nhưng có một số món kẹo, mứt dân dã từ xa xưa vẫn không thể thiếu khi Tết đến xuân về trong mỗi gia đình.

Dẻo thơm chè lam xứ Đoài

Dịp Tết, nếu về xứ Đoài (vùng đất phía Tây Hà Nội), bạn sẽ được thưởng thức món bánh chè lam mộc mạc, dung dị nhưng đầy đủ hương vị: Thơm dịu của bột nếp, ngọt ngào của mật mía, cay nồng của gừng và bùi ngậy của lạc...