Đậu nành còn gọi là đỗ tương đã được sử dụng làm thực phẩm tại châu Á trong rất nhiều năm, ví dụ các món đậu phụ, sữa, tào phớ... Ngày nay, lợi ích sức khỏe loại hạt này đã được ghi nhận.
Trang Healthline dẫn nghiên cứu từ các nhà khoa học Mỹ, cho biết 100 g đậu nành chứa tới 18,2 g đạm (protein), 6 g chất xơ, 9 gam chất béo (trong đó chỉ khoảng 1,3 g chất béo bão hòa, còn lại là chất béo không bão hòa), ngoài ra cung cấp 8,4 g carbohydrate.
Do đó, đậu nành được coi là nguồn bổ sung đạm thiết yếu, bên cạnh thịt bò, thịt gà và trứng. Đạm từ loại hạt hạt này có đủ 9 axit amin thiết yếu giúp cơ thể phát triển xương, cơ bắp. Hàm lượng chất xơ cao giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Theo WebMD, đậu nành còn bồi dưỡng sức khỏe tim mạch do chỉ chứa 10-15% chất béo bão hòa, thấp hơn so với thịt bò xay hoặc sườn lợn, bổ sung omega-6 và 3 tốt cho tim. Bên cạnh đó, hạt đậu có lượng cholesterol "xấu" gần như bằng không, có thể thay thế cho thức ăn nhanh, món chiên, rán nhiều dầu. Một số nghiên cứu cho thấy khi tăng ăn đậu và giảm thực phẩm chế biến sẵn, cơ thể sẽ giảm 4-6% cholesterol xấu mỗi ngày.
Chế độ ăn sử dụng đậu nành thường xuyên có thể giúp tránh bệnh cao huyết áp. Lý do là hạt đậu cung cấp ít carb, từ đó giúp giảm huyết áp tâm thu từ 2-5 điểm, tương đương loại bỏ tới 14% nguy cơ đột quỵ.
Đậu nành cũng giúp cơ thể bổ sung kali, sắt. Trong đó, kali giúp tim đập, thận lọc chất thải và dây thần kinh luôn hoạt động tốt. Một cốc đậu (tương đương 172 g) cung cấp 886 mg kali, gấp đôi một quả chuối, đáp ứng một phần ba nhu cầu của cơ thể trong ngày.
Về sắt, đàn ông cần khoảng 8 mg, phụ nữ cần 18 mg một ngày, trong khi một cốc đậu nành có thể đáp ứng khoảng 9 mg.
Hạt đậu nành giàu isoflavone, có tác dụng tương tự estrogen ở phụ nữ. Bên cạnh đó, phụ nữ ăn nhiều đậu khi trưởng thành ít nguy cơ ung thư vú hơn những người không ăn. Ở nam giới, isoflavone hỗ trợ làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của khối u ở tuyến tiền liệt.
Với các ích lợi nói trên, trong bối cảnh nhiều người chuộng dinh dưỡng thực vật, đậu nành trở thành nguồn thực phẩm lành mạnh nên có mặt trong bữa ăn của nhiều gia đình. Ngoài khía cạnh sức khỏe, đậu nành cũng nằm trong nhóm các cây trồng có tác động bền vững tới môi trường do thường được sử dụng nguyên chất hoặc có thể tái chế.
Trang Verywell Health đánh giá lợi ích lớn nhất của đậu nành được phát huy khi dùng thay cho thịt đỏ và các chất béo bão hòa. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần đọc kỹ nhãn thực phẩm để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất, nên sử dụng hạt đậu tươi hoặc các món ăn được chế biến ít có hại cho sức khỏe như đậu phụ, sữa hoặc kết hợp bột đậu nành với sinh tố để dùng ở tần suất vừa phải...