Cậu học trò nghèo vẫn mải mê đọc sách dưới ánh trăng sáng vằng vặc. Đêm về khuya, trăng mờ dần, ánh sáng không còn soi tỏ những dòng chữ trong trang sách. Nguyễn Thắng ra bờ ao, nghiêng trang sách theo ánh sáng phản chiếu trên mặt nước để đọc tiếp. Chỉ đến khi trăng tàn, đâu đó vang lên tiếng gà gáy báo hiệu trời sắp sáng, Nguyễn Thắng mới chịu gấp sách lại.
Nhà nghèo không có tiền mua dầu thắp đèn nên Nguyễn Thắng thường tận dụng ánh trăng sáng học bài. Thế nên, vào những hôm không có trăng, cậu học trò nghèo hết sức buồn rầu vì không thể đọc sách.
Một hôm, khi đi mua giấy bút về, Nguyễn Thắng ngồi nghỉ chân dưới gốc cây cổ thụ cạnh ngôi miếu nhỏ đầu thôn. Cậu vẩn vơ nhìn những chiếc lá vàng từ trên cây đang rơi xuống đường. Nguyễn Thắng mừng rỡ reo lên với các bạn:
- Tớ đã tìm ra đèn học mà không cần phải đợi trăng sáng.
Nguyễn Thắng vun lá khô thành đống lớn. Đến tối, cậu ra miếu đốt lá để đọc sách và rủ bạn bè đến học cùng mình.
Sau này, dù gia đình có nhiều biến cố và nghèo khó nhưng chàng trai Nguyễn Thắng vẫn không ngừng nuôi ý chí học tập. Cậu còn quyết định đổi tên thành Nguyễn Khuyến với hy vọng cái tên mới sẽ cho mình thêm động lực theo đuổi đèn sách, thi cử.
Với nỗ lực không mệt mỏi, ba lần đi thi Hương, thi Hội và thi Đình, Nguyễn Khuyến đều đỗ đầu và được gọi là “Tam nguyên Yên Đổ”.
Tinh thần hiếu học và những bài thơ tuyệt tác viết về mùa thu của danh nhân Nguyễn Khuyến vẫn truyền mãi đến các thế hệ mai sau.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Chăm học. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Chăm học. Nếu bạn quan tâm, có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |