Thưởng thức ngay 7 phiên bản của cốm khi thu sang

Phan Thu Trang
Có lẽ với nhiều người, Hà Nội mùa thu là đẹp nhất. Thoảng trong hương hoa sữa là những hàng cốm xanh non mê hoặc lòng người. Không chỉ có cốm non bọc trong lá sen, người thủ đô còn ưa chuộng nhiều món ăn biến tấu từ cốm.

1. Chè cốm

Chè cốm có một hương vị hấp dẫn đặc biệt hơn so với những món chè khác. Những hạt cốm xanh trong chén chè sánh mượt quyện với hương hoa bưởi nồng nàn thật hấp dẫn. Chỉ mất vài phút với một chút biến tấu, bạn sẽ có ngay món chè thơm mùi cốm non xanh, thanh mát, xua tan đi cái nóng oi cuối mùa hạ.

2. Chuối trứng cuốc chấm cốm

Với người Hà Nội, cách ăn chuối cũng có cái thú và nghệ thuật thưởng thức riêng. Thu về, nhà nhà thường thích thú đi mua nải chuối tiêu trứng cuốc để chấm với cốm Vòng. Dù gì thì đây cũng là đặc sản hạng sang của riêng Hà Nội và chỉ có vào mùa thu. Khi ăn món này phải thật nhẹ nhàng, từ tốn: Chuối được bẻ đôi hoặc cắt thành từng đoạn ngắn, chấm miếng chuối vào cốm rồi cho vào miệng nhai thật chậm. Lúc ấy, ta mới thấy được cái vị ngọt thơm nồng của chuối hoà quyện vị dẻo bùi của cốm và thoảng chút hương dìu dịu của lá sen…

3. Chả cốm

Sau những hạt cốm thơm đầu mùa là món chả cốm béo ngậy được chuẩn bị cho bữa tối trong gia đình. Vẫn là những hạt cốm xanh nhưng giờ được trộn chung cùng thịt xay, mỡ phần và gia vị sau đó nặn thành miếng cỡ lòng bàn tay. Nhà ai cầu kỳ thì bổ sung thêm chút bột mì, bột nở hay bột năng. Miếng chả cốm còn sống được đem hấp qua sau đó mới chiên vàng trên chảo dầu nóng. Vào những ngày tiết trời se lạnh, chả cốm nóng giòn được ăn cùng bánh mỳ, bún hoặc cơm. Món ngon có vị dẻo thơm từ cốm, xốp từ lớp vỏ ngoài và đậm đà của thịt khiến bữa cơm cứ thế mà nhanh chóng vơi đi.

4. Xôi cốm

Một món ngon từ cốm nữa cũng không thể không nhắc tới là xôi cốm. Vẫn là nét đặc trưng vốn có của cốm mùa thu nhưng khi được biến tấu thành món xôi mềm dẻo, từng hạt cốm lại trở nên thật khác biệt. Đó chính là vị thơm bùi của đậu xanh, của xôi vò, vị ngọt của xôi dừa và hương lúa thơm trong từng hạt cốm. Người thích ăn ngọt khi nhâm nhi ăn thử chắc hẳn sẽ thấy thích thú và ngạc nhiên.

5. Bánh cốm

Sở dĩ bánh cốm trở nên đặc biệt hơn hẳn so với những món ngon làm từ cốm khác là vì cốm không còn được giữ nguyên hạt như ban đầu mà được quyện thành lớp bánh dẻo cùng đường kính trắng. Mỗi chiếc bánh mỏng chỉ to cỡ lòng bàn tay người lớn được gói giấy bóng kính trắng bên ngoài và được đựng trong những chiếc hộp xinh xắn màu xanh lá mạ chính là món quà ý nghĩa tặng khách phương xa khi có dịp ghé qua Hà Nội.

6. Kem cốm

Kem cốm cũng là một đặc sản từ cốm nổi tiếng của Hà thành. Nhâm nhi miếng kem cốm mát lạnh dẻo dẻo, thơm thơm mùi cốm mùa thu, bạn sẽ không thể nào quên. Kem cốm có đặc trưng là rất dẻo, không có máy cũng có thể làm được loại kem này. Thành phẩm là kem có màu xanh nhạt của cốm và lá nếp. Kem xốp dẻo, không có đá dăm, lẫn vào kem là những hạt cốm li ti ăn rất thú vị.

7. Các món ngon khác từ cốm

Ngoài những món ăn đã có tên tuổi như một nét văn hóa ẩm thực Hà Thành trên, còn rất nhiều những món ăn từ cốm Hà Nội được các bà nội trợ khéo léo đưa vào thực đơn những bữa cơm gia đình trong mùa cốm như trứng tráng cốm, tôm bọc cốm chiên xù, cánh gà nhồi cốm… Những món ăn này từ giản dị đến sang trọng thực sự đi vào lòng những người yêu ẩm thực Hà Nội và khách phương xa.

Theo: Wanderlusttips

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Thưởng thức ngay 7 phiên bản của cốm khi thu sang tại chuyên mục Món ngon của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Món ngon khác

Hương vị Tết xưa: Chua ngọt vị mứt me

Ngày nay, các món bánh, mứt, kẹo ngày Tết vừa đẹp về hình thức vừa phong phú về hương vị. Nhưng có một số món kẹo, mứt dân dã từ xa xưa vẫn không thể thiếu khi Tết đến xuân về trong mỗi gia đình.

Dẻo thơm chè lam xứ Đoài

Dịp Tết, nếu về xứ Đoài (vùng đất phía Tây Hà Nội), bạn sẽ được thưởng thức món bánh chè lam mộc mạc, dung dị nhưng đầy đủ hương vị: Thơm dịu của bột nếp, ngọt ngào của mật mía, cay nồng của gừng và bùi ngậy của lạc...

Tới Phú Thọ nhớ ăn bún cọ

Phú Thọ là vùng đất của “rừng cọ, đồi chè”. Đời sống của người dân nơi đây gắn bó với cây cọ bao đời nay. Lá cọ được dùng để lợp mái nhà, làm quạt, chổi, nón, mành; thân cọ làm ván sàn, cột nhà; còn quả cọ là nguyên liệu không thể thiếu của nhiều món ăn. Để tớ kể các bạn nghe...