Vinh dự mang họ vua
Lý Thường Kiệt (1019 - 1105) vốn họ Ngô, tên Tuấn, tự là Thường Kiệt, ông sinh ra ở làng An Xá, huyện Quảng Đức (nay là xã Cơ Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ông là con của Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ, cháu 5 đời của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập - con trưởng của Ngô Quyền.
Thuở nhỏ, ông rất thông minh, chăm đọc sách và chăm luyện tập võ nghệ. Đến năm 18 tuổi, ông được triều đình bổ vào chức Kỵ mã hiệu úy (một chức quan võ nhỏ trong đội quân cưỡi ngựa của triều đình). Vì yêu mến tài năng và đức hạnh của ông, vua Lý Thái Tổ nhận ông làm con nuôi, từ đó tên ông được đổi thành Lý Thường Kiệt.
Hằng ngày, Lý Thường Kiệt ở bên vua, giúp vua rất nhiều việc. Vì có nhiều công lao nên khi Lý Thánh Tông lên ngôi, ông được phong chức Thái Bảo và được trao cho Tiết Việt (cờ tiết và búa phủ Việt - tượng trưng cho quyền thay mặt vua xử lý các công việc ở bên ngoài).
Vị tướng chỉ huy nhiều mưu lược
Lý Thường Kiệt là một vị tướng, một người chỉ huy nhiều mưu lược. Phục vụ ba triều vua, ông từng đánh Tống, bình Chiêm, công lao lớn không kể xiết.
Năm 1077, tướng nhà Tống là Quách Quỳ dẫn 30 vạn quân tiến đánh Đại Việt, Lý Thường Kiệt đã chỉ huy toàn quân bước vào cuộc chiến bảo vệ đất nước. Trên trận chiến sông Như Nguyệt, trước khí thế như vũ bão của quân giặc, Lý Thường Kiệt đã cho người khéo léo ẩn mình như một vị thần, đọc to bài thơ Nam quốc sơn hà cổ vũ tinh thần quân ta, làm cho quân Tống sợ hãi, vơi đi nhuệ khí chiến đấu.
Để đỡ hao tổn xương máu của cả hai dân tộc, Lý Thường Kiệt chủ động kết thúc chiến tranh bằng một cuộc giảng hòa để quân Tống rút quân về nước. Với chiến thắng đó, độc lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia Đại Việt được giữ vững, nhân dân được sống thanh bình.
Năm 1103, Lý Giác nổi lên làm phản ở Diễn Châu, mặc dù khi ấy tuổi đã cao, Lý Thường Kiệt vẫn xin đem quân đi đánh dẹp và đã chiến thắng.
Năm 1104, Lý Thường Kiệt lại được lệnh đem quân đi đánh Chiêm Thành và tiếp tục thu được thắng lợi, buộc họ phải trả ba châu đã chiếm của ta. Đây cũng là cuộc cầm quân cuối cùng của vị tướng trăm trận trăm thắng Lý Thường Kiệt.
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Nhi Đồng. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Nhi Đồng. Nếu bạn quan tâm, có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |